Theo phong tục truyền thống, trước đây, các gia đình thường quây quần bên bếp củi hồng, thay nhau trông nồi bánh chưng luộc qua đêm. Ngày nay, do nhu cầu cuộc sống, cũng như không gian sinh hoạt, nhất là những người ở chung cư, việc luộc bánh chưng bằng bếp củi có những hạn chế nhất định.

Tuy vậy, bạn vẫn có thể thưởng thức những chiếc bánh chưng ngon lành, với cách luộc bánh chưng bằng nồi cơm điện. Trong bài viết này, bạn sẽ thấy, cách luộc bánh chưng bằng nồi cơm điện khá đơn giản và các lưu ý khi thực hiện.

Nồi cơm điện luôn có các dung tích lớn nhỏ khác nhau, đáp ứng nhu cầu của mỗi gia đình. Chẳng hạn, nồi cơm điện có dung tích dưới 1 lít phù hợp cho 1 - 2 người ăn; dung tích 1 - 1,5 lít phù hợp 2 - 4 người ăn; dung tích 1,6 - 2 lít phù hợp 4 - 6 người ăn; dung tích trên 2 lít phù hợp 6 - 8 người ăn.

Như vậy, khi sử dụng nồi cơm điện để luộc bánh chưng, bạn nên ước lượng trước dung tích của nồi với số bánh cần luộc. Thông thường, bạn không nên gói bánh quá to, kích thước chỉ vừa phải, để thuận tiện trong việc xếp bánh chưng vào nồi cơm điện để luộc.

Sau khi bánh được gói xong, bạn bắt đầu xếp bánh vào nồi. Trước khi xếp bánh vào nồi, bạn có thể lấy cuống lá dong xếp một lượt ở dưới, rồi lót một lá dong xuống. Do đã ước lượng kích thước của bánh và dung tích của nồi từ trước nên một lần luộc bạn có thể cho vào nồi từ 3 - 4 bánh. Xếp bánh xong, đặt thêm một lá dong lên trên.

Đổ nước sạch vào nồi sao cho xâm xấp mặt bánh, đậy nắp lại và bật chế độ nấu cơm (cook).

Khi đổ nước vào nồi, bạn lưu ý để bánh luôn ngập nước, tránh để nước cạn qua mặt bánh. Hãy nhớ luôn thêm nước ngập mặt bánh để bánh không bị sống, sượng.

Một lưu ý nữa, khi tiếp thêm nước vào nồi bánh nên dùng nước sôi để bảo toàn nhiệt độ nước trong nồi, không nên dùng nước lạnh. Nếu cho nước lạnh, khả năng bánh bị sống, sượng rất cao.

Khi nút nấu cơm đã chuyển sang chế độ làm ấm (warm), bạn bật trở lại nút nấu cơm như ban đầu. Thời gian để luộc một mẻ bánh chưng với nồi cơm điện sẽ dao động từ 5 - 6 giờ với bánh nhỏ và 7 - 8 giờ với bánh lớn hơn.

Luộc bánh chưng bằng nồi cơm điện dễ hơn bạn nghĩ, việc cần làm duy nhất chỉ là canh chừng mực nước. Việc lơ là khâu tiếp nước sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm, khiến bánh dễ bị hỏng.

Khi vớt bánh, để bánh không bị mốc, bạn có thể rửa qua với nước lạnh, để nơi khô ráo. Sau đó dùng vật nặng chèn lên để bánh ráo nước và có chiếc bánh chưng đẹp mắt.

Ưu điểm khi luộc bánh chưng bằng nồi cơm điện

- Tiện lợi, đơn giản. Chỉ với một nút bấm, nồi cơm điện tự động vận hành, bạn không phải bận tâm lo điều chỉnh lửa lớn, nhỏ khi nấu bằng củi. Không cần kinh nghiệm hay kỹ năng nấu, điều bạn cần chỉ là gói bánh cho thật khéo và chú ý thêm nước vào nồi.

- Không tốn nhiều công sức. Nấu bánh chưng bằng bếp củi, bạn phải chuẩn bị nhiên liệu đốt (củi khô lớn, nhỏ); phải có diện tích lớn để dựng bếp và chỗ xếp củi sẵn. Dùng nồi cơm điện sẽ loại bỏ được các công đoạn này, việc luộc bánh trở nên nhàn hạ hơn. Bạn không cần túc trực thường xuyên bên cạnh trông coi như kiểu bếp củi.

- Tiết kiệm thời gian luộc bánh. Nấu bánh chưng bằng nồi cơm điện nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào dung tích của nồi và số lượng bánh. Nhưng phương án này chắc chắn sẽ rút ngắn được thời gian nấu bánh.

- Vệ sinh thuận tiện. Nấu bánh chưng bằng bếp củi, nhiều khói bụi bay ra, làm ô nhiễm không khí xung quanh. Nấu bằng nồi cơm điện không có khói bụi gây ô nhiễm. Sau khi hoàn thành quá trình nấu, việc vệ sinh cũng nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Nhược điểm

- Chỉ phù hợp nấu các bánh chưng có kích thước nhỏ.

- Số lượng bánh nấu mỗi đợt là ít, chỉ phù hợp gia đình ít người.