Triệu chứng cảm lạnh

Khi ở lâu trong phòng máy lạnh (máy điều hòa không khí), mọi người dễ nhận thấy các triệu chứng của sức khỏe gần giống như bị cảm lạnh. Chẳng hạn như nhức đầu, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, đau mỏi khớp…

Ở người già và trẻ em, thông thường sức đề kháng yếu nên dễ bị nhiễm bệnh. Đối với người già, do thân nhiệt không ổn định, cộng thêm sức đề kháng yếu càng dễ bị nhức đầu, thấp khớp khi ngồi lâu trong phòng sử dụng máy lạnh.

Sử dụng máy điều hòa thời gian dài còn làm cho độ ẩm trong phòng thấp. Chênh lệch độ ẩm nhiều làm cho hệ hô hấp không thích ứng được nên dễ bị sổ mũi, đau họng. Với những người bị viêm mũi dị ứng, hen suyễn, tác động của môi trường lạnh khô càng làm cho hô hấp thêm khó khăn.

Những người thường mắc các triệu chứng cảm lạnh này chủ yếu là nhóm nhân viên văn phòng, phụ nữ, trẻ em, người già… Giải pháp khắc phục là không bật máy điều hòa trong thời gian dài hoặc không nên ngồi lâu ở trong phòng máy lạnh.

Nguyên nhân

Hầu hết máy lạnh không có chức năng thông gió. Trong khi sử dụng máy lạnh, chúng ta lại phải đóng kín các cửa để tránh thoát khí lạnh ra ngoài. Thế nên, sau khi ở trong phòng bật máy lạnh một thời gian dài, chúng ta cảm thấy càng ngày, càng khô, cần uống nước để bổ sung độ ẩm. Độ ẩm trong không khí trong phòng ngày càng ít đi, căn phòng ngày càng khô hơn.

Nhiều người luôn cảm thấy có mùi lạ khi bước vào phòng bật điều hòa. Phòng càng nhỏ, thời gian đóng cửa càng lâu thì cảm giác này càng rõ ràng. Lúc này, “mùi” của máy lạnh mà chúng ta ngửi thấy, chính là lượng khí thải sinh ra trong không khí, có thể gây nhức đầu, mệt mỏi và các triệu chứng khác.

Không khí quá khô trong phòng điều hòa cũng sẽ khiến chức năng bảo vệ của khoang mũi và niêm mạc miệng bị suy yếu. Vi rút, vi khuẩn lúc này cũng dễ dàng xâm nhập, gây ra tình trạng viêm họng, sổ mũi sau đó.

Ngay cả máy lạnh không hoạt động trong một khoảng thời gian cũng đã tích tụ rất nhiều bụi và vi khuẩn trong ống thông gió của nó. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ, bạn bật máy lên sử dụng ngay sẽ dễ gây ra các triệu chứng viêm đường hô hấp trên.

Lưu ý sử dụng máy lạnh với người già, trẻ em

Sử dụng máy lạnh đúng cách, chúng ta mới có thể tránh xa những “căn bệnh” máy lạnh này. Trong phòng có điều hòa, bạn nên thông gió thường xuyên, nên mở cửa sổ hai hoặc ba giờ một lần để lưu thông không khí trong phòng.

Đối với người già, nên đặt nhiệt độ điều hòa vừa phải (không quá lạnh, cũng không quá nóng), khoảng 26 - 27 độ C. Nếu sử dụng máy lạnh trong thời gian dài, người già nên bổ sung các vitamin, ăn trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể, uống nhiều nước, dùng nước muối sinh lý nhỏ mắt.

Đối với trẻ em, chỉ nên để nhiệt độ mát vừa phải, giúp trẻ không bị nóng nực chứ không nên để nhiệt độ quá thấp sẽ làm trẻ bị cảm lạnh, dễ mắc bệnh. Trẻ dưới 3 tuổi chỉ nên để nhiệt độ máy lạnh 27 - 28 độ C. Đối với trẻ sơ sinh cần lưu ý hơn, chỉ nên để 28 - 29 độ C, mặc quần áo dài tay và đắp chăn cẩn thận để trẻ không bị nhiễm lạnh.

Bên cạnh đó, khi sử dụng máy lạnh cho người già, trẻ nhỏ cũng cần chú ý vị trí nằm, không nằm quá gần luồng gió thổi trực tiếp ra từ máy lạnh. Nên để chế độ quạt đảo chiều trên máy lạnh để tránh hướng gió chĩa thẳng vào vị trí nằm. Cả người già, trẻ em đều không nên ngồi trong phòng kín bật máy lạnh quá lâu.

Khi mua sắm máy lạnh, bạn lưu ý lựa chọn dòng máy có tính năng kháng khuẩn, vận hành êm ái, tiết kiệm điện là tiêu chí đặt lên hàng đầu khi chọn mua.

Sau thời gian sử dụng khoảng 6 tháng, các gia đình nên gọi thợ đến vệ sinh và bảo dưỡng máy điều hòa để đảm bảo máy luôn được hoạt động tốt, tiết kiệm điện hơn cũng như tránh mầm bệnh gây hại cho sức khỏe.