Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp quá tải mạch điện đều được ngắt điện suôn sẻ. Bất kể nhà bạn có cầu dao hay CB hiện đại hay không, bạn phải luôn cẩn thận hết sức để tránh quá tải mạch.

Mạch điện quá tải là gì?

Quá tải mạch điện là tình trạng xảy ra khi có quá nhiều nhu cầu sử dụng điện (phụ tải) được đặt vào một mạch điện, nghĩa là tải tiêu thụ vượt quá dòng điện có thể cung cấp. Ví dụ mạch điện có dòng điện định mức 30A (ampe) nhưng nó phải tải dòng điện lớn hơn 30A.

Quá tải mạch thường xảy ra khi sử dụng quá nhiều thiết bị điện công suất lớn cùng một lúc. Nếu bạn sử dụng cùng lúc lò vi sóng, bếp từ, nồi cơm điện trên cùng một ổ cắm điện thì bạn đã tạo ra tình trạng quá tải mạch điện.

Tình trạng quá tải mạch điện thường diễn ra ngay cả khi bạn nghĩ mình đang sử dụng điện an toàn. Việc ngắt điện đề phòng sự cố được kích hoạt bởi cầu dao hoặc CB. Mặc dù cầu dao hoặc CB đáng tin cậy và làm tốt công việc ngăn ngừa chập cháy điện, nhưng an toàn nhất là ngăn chặn tình trạng quá tải ngay từ đầu.

Sự cố do quá tải mạch gây ra

Quá tải mạch điện sẽ làm cầu dao hay CB ngắt mạch điện để đảm bảo an toàn. Mặc dù mọi người nghĩ chỉ bị mất điện trong thời gian ngắn do quá tải mạch điện là không sao. Nhưng thực tế, những vấn đề tồi tệ hơn có thể xảy ra.

Khi quá tải xảy ra, dây điện bắt đầu nóng lên, nhiệt độ dây tăng lên trong một thời gian có thể làm nóng chảy lớp cách điện của dây, nguy hiểm hơn có thể gây ra các sự cố như: Dây dẫn bị đứt, bị cháy; thiết bị điện bị cháy, bị hỏng; chập điện; hỏa hoạn...

Chỉ vì những vấn đề này ít xảy ra, không có nghĩa là chúng không xảy ra. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của tình trạng quá tải sắp xảy ra, hãy rút phích cắm các thiết bị điện và cân nhắc chuyển một số thiết bị sang một mạch điện khác.

Dấu hiệu quá tải mạch

Mạch điện được tạo thành từ hệ thống dây điện, cầu dao (hoặc CB) và các thiết bị điện (chẳng hạn như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện gia dụng). Các mạch điện được thiết kế để xử lý một lượng điện nhất định. Các mạch khác nhau có định mức tải khác nhau nên một số mạch có thể cung cấp nhiều điện hơn các mạch khác.

Việc tiêu thụ điện của mỗi thiết bị khi hoạt động, sẽ thêm vào tổng tải trên mạch. Dấu hiệu rõ ràng nhất của tình trạng quá tải mạch điện là cầu dao ngắt điện toàn bộ mạch. Các dấu hiệu khác có thể ít được chú ý hơn:

- Đèn nhấp nháy hoặc mờ dần, đặc biệt khi bạn bật thêm các thiết bị điện gia dụng khác cùng lúc, đèn sẽ mờ hơn.

- Ổ cắm hoặc công tắc phát ra tiếng kêu.

- Nắp ổ cắm hoặc công tắc cảm thấy nóng khi chạm vào.

- Mùi khét từ ổ cắm hoặc công tắc.

- Phích cắm hoặc ổ cắm bị cháy sém.

- Dụng cụ điện, thiết bị điện gia dụng, thiết bị điện tử dường như không đủ điện để hoạt động.

Giải pháp ngăn ngừa quá tải mạch điện

Bước đầu tiên để phòng ngừa tình trạng quá tải mạch điện là tìm hiểu xem mạch nào cấp nguồn cho thiết bị nào. Bạn càng biết nhiều về cách bố trí các mạch điện trong nhà thì bạn càng dễ dàng ngăn ngừa tình trạng quá tải.

Ví dụ: Nếu đèn nhà bếp của bạn mờ đi khi bạn bật lò nướng (thiết bị rất tốn điện), điều đó cho biết rằng lò nướng và đèn nằm trên cùng một mạch và bạn sử dụng gần đạt cực đại công suất mạch.

Một số cách sau đây có thể giảm tải cho mạch điện nhằm tránh quá tải:

- Chuyển bớt các thiết bị điện vào mạch điện ít được sử dụng hơn (chẳng hạn ổ cắm ở khu vực ít sử dụng).

- Không bật quá nhiều thiết bị cùng một lúc từ một ổ cắm điện. Ví dụ: tắt ti vi và hệ thống loa trong khi bạn đang hút bụi (thực tế tiếng ồn của máy hút bụi khiến bạn cũng không thể nghe âm thanh từ ti vi!).

- Giảm phụ tải chiếu sáng bằng cách thay bóng đèn sợi đốt, đèn halogen bằng bóng đèn LED hoặc bóng đèn huỳnh quang compact để tiết kiệm điện.

- Lắp mạch mới cho các thiết bị điện có yêu cầu công suất cao. Ví dụ: Nếu bạn vận hành nhiều dụng cụ điện trong garage để xe đang sử dụng một mạch 15 amp. Bạn hãy lắp một mạch mới 20 amp, để cung cấp một vài ổ cắm mới cho garage của bạn.