Tại Kentucky, Hoa Kỳ, nhu cầu về rượu bourbon dự kiến ​​tăng gấp đôi trong 5 năm tới, trong khi đàn gia súc của tiểu bang đã đạt mức thấp nhất kể từ năm 1951. Sau đây là cách những sự kiện này có thể kết hợp để biến các nhà máy chưng cất rượu bourbon thành nguồn nhiên liệu sinh học mới.

Ở cuối quá trình chưng cất rượu bourbon, các nhà sản xuất còn lại một chất được gọi là bã rượu. Chất liệu này bao gồm các loại ngũ cốc dùng để nuôi men tạo ra rượu bourbon, cũng như các tế bào nấm men chết và sản phẩm lên men khác. Đây là chất liệu giàu protein, thường sử dụng để nuôi các loại gia súc.

Mặc dù việc tái sử dụng bã rượu làm thức ăn chăn nuôi, giúp giảm thiểu chất thải từ quá trình chưng cất, nhưng việc vận chuyển bã rượu có thể tạo ra lượng khí thải carbon đáng kể. Đôi khi, chất thải được xử lý để loại bỏ chất rắn khỏi chất lỏng và được tinh chế thêm để biến chất lỏng thành thứ được gọi là si-rô, có thể tăng cường chất lượng nguyên liệu đầu vào hiện có. Nhưng việc sản xuất loại si-rô này là quá trình tốn nhiều năng lượng và nhiều nhà máy chưng cất quy mô nhỏ không có khả năng thực hiện quy trình này.

Ngoài ra, theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, đàn bò thịt ở nước này đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1951, có nghĩa là việc sử dụng bã rượu làm thức ăn chăn nuôi đang trở thành một lựa chọn ngày càng kém khả thi đối với các nhà máy chưng cất.

Để tìm kiếm giải pháp tốt hơn cho việc sử dụng sản phẩm thải, các nhà nghiên cứu tại Viện James B. Beam về rượu Kentucky ở Vương quốc Anh đã nghiên cứu cách biến nó thành khí tự nhiên, methane.

Vì bã rượu bourbon bao gồm hỗn hợp nghiền, chứa một loạt loại ngũ cốc như ngô, lúa mạch đen, lúa mì, nên họ tiến hành các thí nghiệm để xem các kết hợp khác nhau của các loại ngũ cốc đó sẽ phản ứng như thế nào khi được cho vi khuẩn kỵ khí ăn. Họ phát hiện ra rằng, hỗn hợp nghiền có hàm lượng lúa mạch đen cao hơn tạo ra lượng khí methane thấp nhất, trong khi hỗn hợp nghiền có hàm lượng ngô cao hơn tạo ra lượng khí methane cao nhất.

Methane thoát ra ngoài khí quyển, được cho là một trong những nguồn chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhưng khi bị đốt cháy, nó cháy sạch hơn than và thoát ra khỏi khí quyển nhanh hơn carbon dioxide. Do đó, nó thường được khai thác như một nguồn nhiên liệu "sạch hơn", nghĩa là việc biến bã rượu thành khí, có thể cho phép sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy chưng cất, nhiên liệu cho xe tải, sưởi ấm nhà cửa hoặc tạo ra điện.

Nghiên cứu này cho thấy rằng các nhà máy chưng cất không chỉ có thể giúp giảm bớt gánh nặng môi trường do bã rượu dư thừa mà còn có thể tạo ra một hệ thống tuần hoàn, trong đó chất thải biến thành nhiên liệu sạch.