Khi thế giới đang chạy đua giảm phát thải carbon và đảm bảo năng lượng bền vững, năng lượng hạt nhân đang có sự hồi sinh mạnh mẽ, trong đó uranium có vai trò trọng tâm trong cuộc chuyển đổi năng lượng này.
Một báo cáo mới được công bố, Uranium - tài nguyên, sản xuất và nhu cầu 2024, còn được gọi là “Sách đỏ”, tiết lộ rằng thế giới sở hữu đủ nguồn tài nguyên uranium để hỗ trợ cho cả việc sử dụng hiện tại và mở rộng đáng kể năng lượng hạt nhân cho đến giữa thế kỷ.
Về bản chất, tầm quan trọng của uranium nằm ở vai trò là nhiên liệu chính cho các lò phản ứng hạt nhân. Tuy nhiên, đầu tư kịp thời và có chiến lược là rất quan trọng để biến tiềm năng này thành nguồn cung dễ tiếp cận.
Khi các quốc gia đang nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon, năng lượng hạt nhân trở thành một giải pháp hấp dẫn. Không giống như các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục do phụ thuộc thời tiết, năng lượng hạt nhân cung cấp điện ổn định, quy mô lớn, với lượng khí thải nhà kính gần bằng 0.
Trong một thế giới đang tăng cường điện khí hóa và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chiến lược phát triển nguồn tài nguyên uranium là điều cần thiết. Nếu không có uranium, tham vọng mở rộng năng lượng hạt nhân và đạt được các mục tiêu về khí hậu có thể gặp rủi ro.
Được xuất bản chung bởi Cơ quan năng lượng hạt nhân (NEA) OECD và Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Sách đỏ vẫn là tài liệu tham khảo toàn diện nhất của ngành hạt nhân về tài nguyên uranium, xu hướng sản xuất và động lực thị trường.
Ấn bản này tổng hợp dữ liệu đã được chính phủ xác minh, từ 62 quốc gia trong các năm 2021 và 2022, nêu bật các hoạt động thăm dò, chính sách quốc gia, kế hoạch phát triển mỏ và khuôn khổ pháp lý. Tính đến ngày 1/1/2023, các nguồn tài nguyên uranium có thể thu hồi được xác định trên toàn cầu là 7,93 triệu tấn.
Những ước tính này phản ánh, các mỏ được đảm bảo hợp lý và suy ra có thể được khai thác một cách kinh tế với giá từ 40 đến 260 đô la cho một kg uranium. Bất chấp những bất ổn của thị trường, con số này cho thấy sự gia tăng nhẹ so với báo cáo trước đó, cho thấy sự ổn định về nguồn tài nguyên sẵn có.
Sau một thời gian trì trệ, ngành uranium đang chứng kiến động lực mới. Chi phí thăm dò và phát triển mỏ tăng vọt lên 800 triệu đô la vào năm 2022, với dữ liệu sơ bộ cho thấy mức tăng tiếp theo lên 840 triệu đô la vào năm 2023.
Sự phục hồi này một phần là do giá uranium giao ngay tăng liên tục kể từ năm 2021 và các chính sách quốc tế cam kết mạnh mẽ. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng khai thác và chế biến mới phải được thiết lập để đảm bảo nguồn cung theo kịp nhu cầu dự kiến.
Sách đỏ dự báo nhiều kịch bản tăng trưởng cho năng lượng hạt nhân đến năm 2050. Điều đáng mừng là các nguồn tài nguyên uranium đủ để đáp ứng ngay cả những kịch bản lạc quan nhất. Xu hướng sản xuất đang đi đúng hướng. Trong giai đoạn 2020 - 2022, sản lượng uranium toàn cầu tăng 4%, dự kiến còn tăng trưởng hơn nữa.
Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc một yếu tố quan trọng: đầu tư. Nếu không có các nỗ lực nhanh chóng để mở rộng hoạt động thăm dò, cải thiện công nghệ chế biến và đưa các mỏ mới vào hoạt động, tình trạng thiếu hụt có thể phát sinh trong trung hạn. Các trung tâm sản xuất mới thường đối mặt với sự chậm trễ do môi trường đầu tư thận trọng và quy trình cấp phép nghiêm ngặt.
Mặc dù dữ liệu của Sách đỏ khẳng định Trái đất có đủ uranium để cung cấp năng lượng cho số lượng lò phản ứng hạt nhân mở rộng cho đến tận nửa sau thế kỷ 21, nhưng tính khả dụng vẫn chưa đảm bảo. Việc đảm bảo các nguồn tài nguyên uranium này, chuyển từ các mỏ ngầm sang các thanh nhiên liệu, đòi hỏi phải có sự đầu tư chủ động, đổi mới quy định và sự hợp tác quốc tế.