Trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về công suất điện hạt nhân, Nhật Bản đứng thứ 9 với hơn 61 GW. Tuy nhiên, Nhật Bản lại đang sở hữu nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới tính đến nay.

Đó là nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa, được xây dựng tại thành phố Kashiwazaki, tỉnh Niigata, cách thủ đô Tokyo khoảng 220km về phía tây bắc. Nhà máy điện Kashiwazaki-Kariwa nằm sát bờ biển Nhật Bản, trải dài trên diện tích 4,2 km2.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa có 7 lò phản ứng. Trong đó, có 5 lò phản ứng nước sôi (BWR) và 2 lò phản ứng nước sôi tiên tiến (Advanced Boiling Water Reactors - ABWR). Công việc xây dựng lò phản ứng đầu tiên bắt đầu vào tháng 6 năm 1980, đi vào hoạt động năm 1985. Trong khi lò phản ứng cuối cùng xây dựng vào tháng 7 năm 1993, đi vào hoạt động vào tháng 7 năm 1997.

Tất cả các lò phản ứng đều sử dụng uranium làm giàu thấp làm nhiên liệu.

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa có tổng công suất lắp đặt là 8.212 MW, gồm 7 tổ máy. Năm tổ máy đầu tiên có công suất 1.100 MW mỗi tổ máy, trong khi hai tổ máy sau cùng có công suất 1.356 MW mỗi tổ máy.

Tuy nhiên, công suất thực của nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa là 7.965 MW, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới theo xếp hạng công suất điện ròng.

 

Số 1

Số 2

Số 3

Số 4

Số 5

Số 6

Số 7

Loại lò

BWR

BWR

BWR

BWR

BWR

BWR

BWR

Công suất (MW)

1.100

1.100

1.100

1.100

1.100

1.356

1.356

Công suất ròng (MW)

1.067

1.067

1.067

1.067

1.067

1.315

1.315

Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa do Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) sở hữu và vận hành.

Tương tự như các nhà máy điện ở Nhật Bản, Kashiwazaki-Kariwa được xây dựng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khả năng chống động đất. Bởi Nhật Bản nằm trên đỉnh của bốn mảng kiến tạo và là một trong những quốc gia thường xảy ra động đất nhất thế giới.

Tháng 10 năm 2004, một trận động đất mạnh 6,9 độ richter xảy ra ở tỉnh Niigata. Kashiwazaki-Kariwa đã chịu được chấn động tốt, các lò phản ứng tiếp tục hoạt động bình thường sau trận động đất, mặc dù một lò phản ứng buộc phải đóng cửa trong cơn dư chấn khi tín hiệu ngắt được kích hoạt.

Tháng 7 năm 2007, một trận động đất khác ở Niigata, với cường độ 6,8 độ Richter. Trận động đất với tâm chấn chỉ cách nhà máy 19 km, làm rung chuyển phạm vi hoạt động của nhà máy. Mặc dù tất cả lò phản ứng ngay sau đó đã ngừng hoạt động, nhưng một máy biến áp bị cháy, các đường ống bị vỡ, một số chất thải hạt nhân bị rò rỉ ra ngoài.

Tất cả lò phản ứng phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài để kiểm tra và nâng cấp lại. Tổ máy số 7 đã được khởi động lại vào ngày 19 tháng 5 năm 2009 sau khi nâng cấp mức độ an toàn với địa chấn, sau đó là các tổ máy 1, 5, 6.

Tháng 3 năm 2011, trận động đất ngoài khơi Thái Bình Dương và sóng thần ập vào bờ, làm cháy nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, gây thảm họa hạt nhân ở khu vực này. Bốn tổ máy được vận hành lại vào năm 2009 tại nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa không bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần tháng 3 năm 2011. Tuy nhiên, sau thảm họa hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima I, năm 2012 nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa cũng tạm ngừng hoạt động.

Hiện nay, nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa đang thực hiện các quy trình nghiêm ngặt nhất để có thể sớm khởi động trở lại các tổ máy trong thời gian tới. TEPCO đang thực hiện chặt chẽ các biện pháp tại nhà máy để đáp ứng các hướng dẫn an toàn mới do Cơ quan quản lý hạt nhân của Nhật Bản đặt ra. Bởi điện hạt nhân vẫn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật Bản.