Nhiên liệu hóa thạch được hình thành từ sự phân hủy xác thực vật, động vật từ hàng triệu năm trước, trộn lẫn với các trầm tích khác và bị chôn vùi. Trải qua hàng triệu năm dưới áp suất và nhiệt độ cao, tàn tích của những sinh vật này biến đổi thành thứ mà ngày nay chúng ta gọi là nhiên liệu hóa thạch. Than đá, dầu mỏ và khí tự nhiên là những ví dụ về nhiên liệu hóa thạch.

Nhiên liệu hóa thạch hình thành như thế nào?

Nhìn chung, dầu mỏ và khí tự nhiên được hình thành từ tàn tích hữu cơ của các sinh vật biển bị cuốn vào trầm tích đáy biển. Trong khi đó, than đá thường được hình thành từ tàn tích của thảm thực vật trên đất liền.

Dầu và khí

Sự hình thành dầu và khí bắt đầu từ sự phân hủy các loài thực vật, động vật cực nhỏ sống ở đại dương hàng triệu năm trước, tích tụ thành các chất hữu cơ dưới đáy biển. Khi những thực vật, động vật này chết đi, chúng rơi xuống đáy đại dương, hình thành hết lớp trầm tích này đến lớp trầm tích khác, được bao phủ bởi cát và bùn.

Ở những môi trường khá bất thường, thực vật và động vật bắt đầu phân hủy khi không có oxy và không có sinh vật nào sống dưới đáy biển có thể ăn các chất hữu cơ. Tốc độ tích tụ trầm tích cao cũng có thể giúp chôn vùi nhanh hơn các chất hữu cơ.

Khi các lớp tích tụ tăng dần lên và trầm tích bị đẩy xuống sâu hơn, điều này làm tăng cả nhiệt độ và áp suất. Với tất cả những yếu tố này kết hợp lại, các chất hữu cơ bên trong nó chịu nhiệt và áp suất dẫn đến hình thành các mỏ dầu và khí đốt.

Khí tự nhiên thường được tìm thấy trong các túi phía trên các mỏ dầu. Nó cũng có thể được tìm thấy trong các lớp đá trầm tích không chứa dầu. Khí tự nhiên bao gồm chủ yếu là metan (CH4) nhưng cũng có thể chứa các loại khí khác như butan và propane.

Than

Than thường hình thành trên đất liền từ thảm thực vật ở vùng đất thấp, môi trường đầm lầy. Hàng triệu năm trước, trước cả thời kỳ khủng long, đã có những loài thực vật sống trong các khu rừng đầm lầy. Khi những thực vật này chết, chúng phân hủy, hình thành các lớp ở đáy đầm lầy.

Trải qua hàng ngàn năm dưới áp suất và nhiệt độ cao, các mảnh vụn thực vật mục nát tích lũy ban đầu trải qua những thay đổi về mặt hóa học và vật lý, tạo thành một vật liệu gọi là than bùn. Các quá trình địa chất chôn vùi bên dưới trầm tích sau này và sự thay đổi do nhiệt và áp suất chuyển than bùn thành than.

Ưu điểm của nhiên liệu hóa thạch

- Quy trình đốt đơn giản.

- Tương đối rẻ tiền.

- Dễ dàng vận chuyển.

Nhược điểm của nhiên liệu hóa thạch

- Được cho là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

- Nguyên nhân gây mưa axit.

- Không bền vững về lâu dài.

- Biến động chính trị và kinh tế có thể gây ra sự tăng giá lớn.

- Khai thác có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến cảnh quan.

Nhiên liệu hóa thạch sẽ cạn kiệt?

Nhiên liệu hóa thạch về cơ bản là nguồn năng lượng không thể tái tạo. Các quá trình địa chất tạo ra chúng mất hàng triệu năm. Với tốc độ khai thác các mỏ hiện nay, so với mất hàng triệu năm để hình thành mỏ mới bù đắp lại, chúng được xem là không thể tái tạo một khi chúng đã biến mất.

Không thể ước tính khi nào nhiên liệu hóa thạch sẽ biến mất, nhưng trong vòng 100 năm tới, nhiều người tin rằng chi phí tìm kiếm và khai thác các mỏ mới sẽ khiến chúng trở nên quá đắt đỏ để sử dụng hằng ngày.