Thủy điện nhỏ tạo chuyện lớn

Suốt các tháng 8, 9, 10, 11 năm 2020, những cơn bão lớn liên tiếp đổ bộ vào miền Trung, sau đó là các đợt lũ lụt nghiêm trọng. Thiên tai đã gây thiệt hại to lớn đến sinh mạng, tài sản của người dân. Thêm vào đó, các đợt xả lũ của một số hồ thủy điện, càng làm tình hình ngập lụt thêm trầm trọng.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do thủy điện nhỏ xây dựng ồ ạt trong các năm qua, làm giảm diện tích rừng. Mất rừng, làm mất đi lớp “áo giáp” môi trường có thể giảm thiểu thiệt hại thiên tai, lũ lụt.

Thiệt hại do thiên tai

Năm 2020 là năm cơ sở hạ tầng ngành điện bị thiệt hại năng nề do thiên tai. Trong nửa đầu năm 2020, những trận mưa đá, giông lốc làm lưới điện nhiều tỉnh miền Bắc bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Tiếp đó, những trận bão lớn đã làm gãy đỗ, đứt dây, hư hỏng hàng loạt lưới điện, trạm điện ở miền Trung. Đặc biệt, sự cố sạt lở đất ở khu vực xây dựng thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) đã gây thiệt hại sinh mạng rất đau lòng.

Giảm tiền điện do dịch bệnh Covid-19

Tổng cộng có 2 đợt giảm giá điện, tiền điện trong năm 2020 đối với các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đợt 1 áp dụng cho kỳ hoá đơn tiền điện tháng 4, 5 và 6. Đợt 2 áp dụng cho kỳ hóa đơn tháng 10, 11, 12 năm 2020. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện giảm 10% giá điện sinh hoạt bậc 1 - 4 và giảm 10% với điện sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Điện mặt trời tiếp tục nóng

Tính đến cuối tháng 12/2020, có trên 83.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã vận hành trên cả nước, cho thấy điện mặt trời áp mái vẫn đang phát triển mạnh. Sự phát triển nhanh loại hình nguồn điện này, dẫn đến những phát sinh trong thực tế về tiêu chí, định nghĩa điện mặt trời mái nhà, khiến các bên lúng túng khi thực hiện nối lưới, mua điện. Bộ Công Thương đã ban hành Văn bản số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 hướng dẫn việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà với những trường hợp cụ thể theo qui định hiện hành.

Đẩy mạnh điện khí, “quay lưng” điện than

Trong khi một số địa phương “ngoảnh mặt”, từ chối xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại địa phương mình thì hàng loạt dự án xây dựng nhà máy điện khí LNG liên tục được các địa phương đề xuất lên Chính phủ, Bộ Công Thương xin phép thực hiện. Các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang đề nghị đầu tư một số dự án điện khí quy mô rất lớn ở Hà Tĩnh, Long An, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Hải Phòng…

Đường dây 500kV mạch 3 chậm tiến độ

Đường dây (ĐD) 500kV mạch 3 Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 (mạch 3) bao gồm 3 dự án: ĐD 500kV nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; ĐD 500kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi; ĐD 500kV Dốc Sỏi - Pleiku 2.

Đường dây 500kV mạch 3 có chiều dài 742km, với 1.606 vị trí cột, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.

Theo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ giao, dự án phải hoàn thành cuối tháng 12/2020. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nhập khẩu thiết bị và đảm bảo giãn cách xã hội; do các cơn bão lớn đổ bộ vào miền Trung ảnh hưởng việc thi công, nên dự án không hoàn thành đúng tiến độ, phải dời thời gian đóng điện sang năm 2021.

Sửa đổi biểu giá điện

Tháng 8/2020, Bộ Công Thương đưa ra dự thảo về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương.

Các phương án sửa đổi nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của khách hàng hiện nay.

Dù chỉ mới là dự thảo, đưa ra để các thành phần trong xã hội tham gia góp ý nhưng dự thảo sửa đổi biểu giá điện đã nhanh chóng làm nóng dư luận với các ý kiến khác nhau.

Hóa đơn tiền điện tăng bất thường

Trong các tháng 5, tháng 6/2020, một số thông tin người dân phản ánh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức đoàn công tác với sự tham gia của các đơn vị chức năng liên quan để kiểm tra, xác minh làm rõ việc hoá đơn tiền điện tăng, thông tin chính thức về vấn đề này. Theo EVN, một trong những nguyên nhân làm lượng điện tiêu thụ gia tăng là do nắng nóng gay gắt, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát, đặc biệt là điều hòa nhiệt độ tăng cao, kèm theo đó chi phí sử dụng điện cũng tăng theo.

Riêng các trường hợp ghi sai chỉ số công tơ điện tại Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ninh…, EVN đã chỉ đạo các Tổng công ty Điện lực kiểm điểm và xử lý kỷ luật nghiêm cá nhân liên quan.

EVN cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,3 lần so với tháng trước liền kề.