10 năm khởi công xây dựng tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển ra huyện đảo Cô Tô (2012 - 2022)

Tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển cấp điện ra huyện đảo Cô Tô được khởi công xây dựng ngày 4/11/2012. Cô Tô là một quần đảo gồm khoảng 50 đảo, nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh. Tuyến cáp ngầm 22kV xuyên biển cấp điện ra huyện đảo Cô Tô có chiều dài 23,166 km. Công trình đóng điện vận hành từ tháng 10/2013.

10 năm khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Trung Sơn (2012 - 2022)

Thủy điện Trung Sơn được khởi công xây dựng ngày 24/11/2012, nằm trên dòng chính sông Mã, thuộc địa phận xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa); lòng hồ thủy điện thuộc địa phận hai huyện Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa) và huyện Mộc Châu (Sơn La). Nhà máy thủy điện Trung Sơn gồm 4 tổ máy, tổng công suất 260 MW, đi vào hoạt động từ năm 2017.

10 năm vận hành nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 (2012 - 2022)

Thủy điện Đồng Nai 4 nằm trên địa phận xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và xã Quảng Khê, huyện Đa Glong, tỉnh Đắc Nông. Nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 4 gồm 2 tổ máy, tổng công suất 340 MW, khởi công xây dựng ngày 26/12/2004. Năm 2012, tổ máy số 1 (ngày 28/3) và tổ máy số 2 (ngày 24/6) chính thức hoà lưới, phát điện vào hệ thống điện quốc gia.

10 năm hoạt động Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNHCMC (2012 - 2022)

Trung tâm chăm sóc khách hàng đầu tiên của ngành điện cả nước, thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) ngày 6/7/2012 chính thức ra mắt, đi vào hoạt động 24/7. Tổng đài chăm sóc khách hàng của EVNHCMC ban đầu có số 1900 1122, sau đó đổi thành 1900 545454. Bên cạnh đó, Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNHCMC còn có các kênh chăm sóc khách hàng như email, SMS, website…

10 năm khởi công xây dựng nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 (2012 - 2022)

Nhiệt điện Duyên Hải 3 được khởi công xây dựng ngày 8/12/2012 tại Trung tâm Điện lực Duyên Hải (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh). Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3  gồm 2 tổ máy, tổng công suất 1.244 MW, đi vào hoạt động từ năm 2017.

10 năm khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La (2012 - 2022)

Thủy điện Sơn La được tổ chức khánh thành công trình vào ngày 23/12/2012. Thủy điện Sơn La được xây dựng tại xã Ít Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhà máy gồm 6 tổ máy với tổng công suất 2.400 MW. Tổ máy số 6 hòa lưới điện quốc gia vào ngày 26/9/2012, sau đó 3 tháng, nhà máy làm lễ khánh thành. Thủy điện Sơn La không chỉ là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam mà còn là công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

15 năm khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Nậm Chiến 1 (2007 - 2022)

Thủy điện Nậm Chiến 1 được khởi công xây dựng ngày 26/12/2007. Địa điểm xây dựng thủy điện Nậm Chiến 1 trên suối Chiến, một nhánh của sông Đà, tại xã Ngọc Chiến, xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Nhà máy gồm 2 tổ máy, tổng công suất 200 MW, đi vào hoạt động từ năm 2013.

20 năm khánh thành nhà máy thủy điện Ialy (2002 - 2022)

Thủy điện Ialy được tổ chức khánh thành công trình vào ngày 27/4/2002. Thủy điện Ialy được xây dựng tại xã Ialy, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai. Nhà máy gồm 4 tổ máy, tổng công suất 720 MW. Thủy điện Ialy là công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng trên sông Sê San (năm 1993) và là công trình lớn nhất trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Sê San.

20 năm khởi công nhà máy thủy điện Sê San 3 (2002 - 2022)

Thủy điện Sê San 3 khởi công xây dựng ngày 15/6/2002. Công trình thủy điện Sê San 3 tọa lạc tại xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Nhà máy gồm 2 tổ máy, tổng công suất 260 MW, đi vào hoạt động từ năm 2006. Sê San 3 là công trình thủy điện lớn thứ 3 tại hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Sê San.    

20 năm khởi công nhà máy thủy điện Tuyên Quang (2002 - 2022)

Thủy điện Tuyên Quang trước đây gọi là Thủy điện Na Hang, được khởi công xây dựng vào ngày 22/12/2002, nằm trên dòng sông Gâm, thuộc địa phận thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Nhà máy có 3 tổ máy, tổng công suất là 342 MW, được đưa vào vận hành năm 2007. Đây là nhà máy thuỷ điện có công suất lớn thứ năm của miền Bắc sau các nhà máy thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình, thủy điện Lai Châu, thủy điện Huội Quảng.

25 năm khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi (1997 - 2022)

Công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trên lưu vực sông La Ngà, một chi lưu của sông Đồng Nai, được khởi công xây dựng ngày 16/5/1997. Trong đó, nhà máy thủy điện Hàm Thuận thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có công suất 300 MW (2 tổ máy); nhà máy thủy điện Đa Mi thuộc xã La Ngâu, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có công suất 175 MW (2 tổ máy). Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành toàn bộ công trình và chính thức vận hành phát điện từ tháng 4/2001.

30 năm khởi công xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam (1992 - 2022)

Đường dây 500kV Bắc - Nam (còn gọi là đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1) được khởi công vào ngày 5/4/1992 có tổng chiều dài 1.487 km, đi qua 14 tỉnh thành, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm. Đường dây 500kV Bắc - Nam là công trình đường dây truyền tải điện năng 500kV đầu tiên tại Việt Nam. Chỉ sau 2 năm xây dựng, công trình đã đóng điện đi vào vận hành, mục tiêu nhằm truyền tải lượng điện năng từ miền Bắc cung cấp cho miền Nam và miền Trung thời điểm đó đang thiếu điện, đồng thời liên kết hệ thống điện cục bộ của ba miền thành một hệ thống điện thống nhất.

50 năm vận hành toàn bộ nhà máy thủy điện Thác Bà (1972 - 2022)

Nhà máy thủy điện Thác Bà trên sông Chảy (một nhánh lớn của sông Lô) đặt tại thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, được khởi công xây dựng ngày 19/8/1964. Thủy điện Thác Bà gồm 3 tổ máy, tổng công suất 108 MW (năm 1978 nâng lên 120 MW). Thủy điện Thác Bà vận hành phát điện lên lưới điện quốc gia tổ máy số 1 ngày 5/10/1971, tổ máy số 2 ngày 10/3/1972 và tổ máy số 3 cũng là tổ máy cuối cùng ngày 19/5/1972, chính thức đưa vào vận hành toàn bộ nhà máy.

80 năm khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Ankroet (1942 - 2022)

Thủy điện Ankroet được khởi công xây dựng vào tháng 10/1942, do người Pháp thi công. Thủy điện Ankroet thuộc địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, có công suất lắp máy ban đầu 600 kW (0,6 MW) với 2 tổ máy, chính thức phát điện vào năm 1945. Trong suốt thời gian dài vận hành, thủy điện Ankroet đã hai lần thay tổ máy mới, nâng công suất để phù hợp với tình hình thực tế: 3,1 MW (1956), 4,4 MW (1998). Sau 80 năm khởi công xây dựng, thủy điện Ankroet nay không còn giữ vai trò chính về mặt phát điện như trước đây, nhưng giá trị về lịch sử, kiến trúc cảnh quan và du lịch vẫn còn nhiều ý nghĩa. Thủy điện Ankroet là nhà máy thủy điện đầu tiên ở Việt Nam.