Trong quá trình phát triển của ngành điện, khá nhiều sự kiện, công trình thực hiện diễn ra trong năm Sửu. Hãy nhìn lại những dấu ấn đó.
Năm 1925 (Ất Sửu), nhà máy điện Yên Phụ được khởi công xây dựng dưới thời Pháp thuộc, tọa lạc tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội, nằm ngay đầu phố Cửa Bắc, dưới chân đê Yên Phụ. Năm 1932, nhà máy hoàn thành xây dựng đợt 1 với 4 lò hơi. Sau đó, nhà máy xây dựng đợt 2 với 4 lò hơi. Năm 1949 tiếp tục mở rộng công suất bằng việc xây thêm 2 lò. Trước năm 1960, nhà máy điện Yên Phụ là nhà máy điện lớn nhất miền Bắc, đóng vai trò chủ lực, có công suất 22,5 MW.
Năm 1988, nhà máy điện Yên Phụ ngừng hoạt động sau 63 năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, góp phần bảo vệ Thủ đô. Trên phần đất của nhà máy điện Yên Phụ năm xưa, giờ là trụ sở làm việc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị ngành Điện.
Ngày 19/5/1961 (Tân Sửu), nhà máy nhiệt điện Uông Bí được khởi công xây dựng. Đây là nhà máy nhiệt điện có công suất lớn nhất miền Bắc trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Năm 1963, nhiệt điện Uông Bí khánh thành và đi vào hoạt động, công suất 48 MW. Sau hai lần mở rộng, hiện tổng công suất đặt của nhà máy đạt 630 MW.
Ngày 1/4/1961 (Tân Sửu), nhà máy thủy điện Đa Nhim được khởi công xây dựng tại vùng đất thị trấn D'Ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Công trình hoàn thành tháng 12/1964 với 4 tổ máy, tổng công suất 160 MW.
Đây là công trình thủy điện đầu tiên và nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai. Năm 2018, dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim hoàn thành, nâng tổng công suất nhà máy lên 240 MW.
Ngày 1/10/1985 (Ất Sửu), giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt cho công nhân viên chức chính thức áp dụng là 0,60 đồng/kWh; nếu sử dụng vượt định mức thì phần sử dụng vượt định mức thanh toán theo giá 1,20 đồng/kWh. Đây là giá quy định theo Quyết định số 80-CT ngày 31/3/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng thời, giá điện do UBND các địa phương quy định cũng không còn giá trị thi hành.
Ngày 16/5/1997 (Đinh Sửu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam khởi công xây dựng công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi trên sông La Ngà với công suất 475 MW. Trong đó, thủy điện Hàm Thuận đặt tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận có công suất 300 MW (2 tổ máy); thủy điện Đa Mi đặt tại xã La Ngâu, huyện Hàm Thuận Bắc có công suất 175 MW (2 tổ máy). Dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoàn thành toàn bộ công trình và chính thức phát điện từ ngày 2/4/2001.
Ngày 30/3/2009 (Kỷ Sửu), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Campuchia (EDC) tổ chức lễ đóng điện đường dây 220kV Châu Đốc (Việt Nam) - Takeo (Campuchia). Công trình trên nằm trong Hiệp định giữa hai Chính phủ ký tháng 3/2003 và hợp đồng mua bán điện ký giữa EVN và EDC năm 2000 về việc bán điện cho Campuchia qua đường dây 220kV Châu Đốc - Takeo.
Căn cứ vào thỏa thuận giữa hai bên, EVN đã xây dựng các công trình đấu nối đến biên giới là trạm 220kV Châu Đốc và đường dây 220kV dài 26,51km từ trạm 220kV Châu Đốc đến biên giới; phía ECC thực hiện đường dây 220kV dài 50,13km từ biên giới đến Takeo, đường dây 220kV dài 45,75km từ Takeo đến Phnom Penh, trạm 220kV Takeo (16MVA), trạm 220kV Tây Phnom Penh (200MVA). Đây là lần đầu tiên, Việt Nam bán điện cho Campuchia qua cấp điện áp 220kV.
Đường dây 220kV Châu Đốc - Takeo
Ngày 12/5/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 1 (50 MW) nhà máy thủy điện Pleikrông chính thức hòa lưới điện quốc gia. Thủy điện Pleikrông được xây dựng trên địa bàn xã Sa Bình, huyện Sa Thầy và xã Kroong, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy có 2 tổ máy với tổng công suất 100 MW. Thủy điện Pleikrông nằm trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Sê San.
Tháng 6/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Sơn Động chính thức phát điện thương mại. Nhiệt điện Sơn Động do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng vào ngày 29/11/2005. Công suất thiết kế của nhà máy 220 MW. Địa điểm nhà máy đặt tại thôn Đồng Rì, thị trấn Thanh Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang - cách mỏ than Đồng Rì 2,5km.
Ngày 23/8/2009 (Kỷ Sửu), Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) khánh thành nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1, đặt tại xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai, có tổng công suất 462,8 MW, sử dụng nguồn nhiên liệu khí tự nhiên từ các mỏ thuộc bể Cửu Long, bể Nam Côn Sơn, nhiên liệu dự phòng là dầu DO.
Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 1 được khởi công xây dựng ngày 24/3/2007. Sau đó, ngày 25/5/2008 tổ máy số 1 hòa lưới điện quốc gia; ngày 28/8/2008 tổ máy số 2 cũng hòa lưới điện quốc gia; ngày 22/4/2009 chu trình hỗn hợp nhà máy điện Nhơn Trạch 1 chính thức hòa đồng bộ lưới điện quốc gia.
Ngày 7/9/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 1 nhà máy thuỷ điện Buôn Tua Srah chính thức phát điện thương mại. Thủy điện Buôn Tua Srah xây dựng trên sông Krông Nô, tại xã Nam Ka, huyện Lăk, tỉnh Đắc Lăk; xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Công trình gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp máy là 86 MW, được khởi công ngày 25/11/2004. Chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngày 28/9/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 2 (công suất 140 MW) nhà máy thủy điện Buôn Kuốp chính thức hòa lưới điện quốc gia. Thủy điện Buôn Kuốp do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, gồm 2 tổ máy với tổng công suất 280 MW. Thủy điện Buôn Kuốp xây dựng trên địa bàn xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, là nhà máy có quy mô lớn nhất trên hệ thống sông Sêrêpôk.
Ngày 28/9/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 1 (120 MW) nhà máy thủy điện Sê San 4 chính thức hòa lưới điện quốc gia. Thuỷ điện Sê San 4 tọa lạc tại xã Mơ Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; và xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Đây là công trình lớn thứ hai trong hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Sê San (sau thủy điện Ialy). Sê San 4 được khởi công xây dựng ngày 26/12/2004, tổng công suất 360 MW. Ngày 8/12/2009, tổ máy số 2 phát điện, và tổ máy số 3 cũng phát điện ngày 20/03/2010.
Ngày 12/10/2009 (Kỷ Sửu), Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1594/QĐ-TTg chính thức công nhận ngày 21/12 hằng năm là “Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam”. Ngày truyền thống này xuất phát từ một sự kiện lịch sử.
Ngày 21/12/1954, hơn hai tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bác Hồ đến thăm nhà máy điện Yên Phụ và nhà máy đèn Bờ Hồ. Tại buổi gặp mặt thân tình này, Bác nói: “Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải giữ gìn nhà máy, làm cho nó phát triển hơn nữa…”
Ngày 26/11/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 2 (110 MW) nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Thủy điện Sông Ba Hạ là công trình thủy điện xây dựng trên dòng sông Ba tại xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh; xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên; và huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Thủy điện Sông Ba Hạ gồm 2 tổ máy, tổng công suất 220 MW, khởi công xây dựng tháng 4/2004.
Ngày 25/12/2009 (Kỷ Sửu), tổ máy số 1 nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chính thức hòa lưới điện quốc gia. Nhiệt điện Hải Phòng được khởi công xây dựng vào ngày 28/11/2005 tại xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng gồm 4 tổ máy, công suất 1.200 MW. Các tổ máy số 2, 3, 4 lần lượt hòa lưới điện quốc gia từ 8/2010 đến 2/2014.