Texas mất điện chưa từng thấy. Tháng 2/2021, bão tuyết, giá rét ở Texas đạt cường độ cao trong mùa đông đã dẫn đến sự cố mất điện nghiêm trọng, hàng triệu khách hàng tại bang này không có điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống. Theo các chuyên gia năng lượng, điện ở Texas bị mất trong mùa đông giá rét là do thiếu nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên (đường ống dẫn khí đốt tự nhiên bị đóng băng) và do các turbine gió ngừng hoạt động. Hai nguồn điện này là nguồn cung cấp năng lượng chính cho bang Texas. Texas là bang có dân số lớn thứ hai và cũng là nền kinh tế lớn thứ hai ở Hoa Kỳ (sau bang California). Texas sản xuất điện nhiều hơn bất kỳ bang nào khác ở Hoa Kỳ, gần gấp đôi so với Florida là bang sản xuất điện cao thứ hai ở Hoa Kỳ.
Trung Quốc lâm vào tình cảnh thiếu điện. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng. Ít nhất 20 tỉnh thành chiếm hơn 2/3 GDP của Trung Quốc đã áp dụng một số hình thức cắt điện. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do giá than tăng mạnh khiến các nhà máy nhiệt điện than thiếu hụt nguồn nhiên liệu. Bên cạnh đó là áp lực từ mục tiêu giảm phát thải khí carbon của Trung Quốc. Nhiệt điện than chiếm hơn 60% nguồn cung điện của Trung Quốc.
Scotland phá sập nhà máy điện than cuối cùng. Ngày 9/12/2021, ống khói cao 600 foot (khoảng 182 m) của nhà máy điện than Longannet được đánh sập, đánh dấu “ngày lịch sử” trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Scotland. Vụ nổ đánh dấu chấm dứt thời kỳ sản xuất nhiệt điện than ở Scotland. Tuy nhiên, sự kiện được cho mang tính biểu tượng hơn, bởi thực tế nhà máy điện than cuối cùng này đã đóng cửa từ năm 2016. Nhà máy điện Longannet khai trương lần đầu tiên vào năm 1973, từng là nhà máy điện than lớn nhất ở châu Âu, nơi tiêu thụ khoảng 4,5 triệu tấn than mỗi năm. Sau gần nửa thế kỷ hoạt động, nhà máy nhiệt điện than Longannet bị đóng cửa. Sản lượng năng lượng tái tạo ở Scotland đã tăng hơn gấp ba lần trong thập kỷ qua. Năm 2020, năng lượng tái tạo tạo ra 97% tổng tiêu thụ năng lượng của đất nước. Scotland cũng là nơi vừa tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu COP26 vào tháng 11/2021.
Trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới chính thức phát điện. Ngày 18/12/2021, trang trại điện gió ngoài khơi Hornsea 2 bắt đầu sản xuất những kilowatt điện đầu tiên và sẽ đi vào hoạt động đầy đủ năm 2022. Dự án trang trại điện gió Hornsea 2 nằm ở ngoài khơi phía đông nước Anh, cách bờ khoảng 89 km, được thông qua vào năm 2016. Đây là trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới với công suất 1,32 GW bao gồm 165 turbine gió 8 MW Gamesa của Siemens. Trang trại điện gió Hornsea 2 phá vỡ kỷ lục trước đó vào năm 2020 của trang trại điện gió Hornsea 1 với công suất 1,2 GW. Khi hoàn thiện, Hornsea 2 sẽ truyền tải điện gió vào bờ thông qua hơn 800 km dây cáp, nối với mạng điện quốc gia ở làng Killingholme.
Giá điện ở châu Âu liên tục tăng leo thang. Kể từ đầu tháng 9/2021, giá điện bán buôn ở Đức và Pháp đã lần lượt tăng 36% và 48%, đến giữa tháng 9 dao động ở mức khoảng 160 euro (189 USD)/MWh. Sau đó, lần lượt đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, giá điện bán buôn trung bình cũng tăng bình quân gấp ba lần so với năm 2020 ở mức 175 euro/MWh. Ở Vương quốc Anh, giá điện lên tới 183,84 euro/MWh là mức đắt nhất ở châu Âu. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng giá điện cao chưa từng thấy suốt hơn 10 năm qua ở châu Âu là do nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, được sử dụng để tạo ra khoảng 1/5 lượng điện của châu Âu, thiếu hụt trầm trọng khiến giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Giá điện tăng cao rõ rệt nhất là ở Anh, bởi quốc gia này đặc biệt phụ thuộc vào khí đốt và gió, hai nguồn này tạo ra khoảng 60% điện năng của Anh. Pháp cũng chịu tình trạng giá điện tăng cao khi nguồn cung điện hạt nhân của nước này bị thiếu hụt do việc đóng cửa tạm thời của 4 lò phản ứng lớn nhất của đất nước. Hiện nay, giá điện cung ứng đến khách hàng vào đầu năm 2022 ở Đức và Pháp, đã tăng lên mức rất cao, trên 200 euro/MWh.
Máy bay chạy hoàn toàn bằng điện lập kỷ lục bay nhanh nhất thế giới. Ngày 16/11/2021, chiếc máy bay Rolls-Royce - Spirit of Innovation - chạy hoàn toàn bằng điện đã thiết lập kỷ lục bay nhanh nhất thế giới, đạt tốc độ tối đa 555,9 km/h (345,4 mph) trên 3 km, phá kỷ lục trước đó thiết lập bởi máy bay Extra 330 LE Aerobatic của Siemens eAircraft vào năm 2017 với tốc độ 213,04 km/h (132 mph). Trong những lần bay tiếp theo tại địa điểm thử nghiệm máy bay Boscombe Down của Vương quốc Anh, chiếc máy bay điện đạt tốc độ tối đa 532,1 km/h (330 mph) trên 15 km, vượt qua kỷ lục trước đó là 292,8 km/h (182 mph). Spirit of Innovation cũng phá vỡ thời gian nhanh nhất để vọt lên 3.000 mét trong 60 giây với thời gian 202 giây. Trong những lần bay phá kỷ lục của mình, chiếc máy bay điện được vận hành bằng hệ thống truyền động điện 400kW có khả năng tạo ra công suất hơn 500 mã lực và bộ pin đẩy dày đặc nhất từ trước đến nay.