Năm 2013, một con gà đi lạc vào máy biến áp của Công ty điện lực Maui tại khu vực cho thuê ô tô ở sân bay Kahului, Hawaii (Mỹ), gây chập điện. Sự việc làm mất điện vào đầu giờ chiều thứ ba 26/2/2013. Khoảng 30 phút sau thì có điện trở lại. Trong thời gian mất điện, máy phát điện dự phòng được sử dụng. Các hoạt động kiểm soát không lưu và tòa tháp của sân bay không bị ảnh hưởng. Nhưng một số hậu quả vẫn xảy ra như: Việc kiểm tra điện tử được thực hiện thủ công; Ít nhất bốn máy bay đã sử dụng cầu thang bộ di động để đưa hành khách xuống máy bay, sau đó hành khách đi bộ từ sân đỗ đến khu vực nhà ga; Khách sạn sân bay Courtyard Maui Kahului, Kmart và các cơ sở kinh doanh lân cận bị mất điện. Con gà cũng không có cơ hội sống sót.
Năm 2013, hai năm sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 (Nhật Bản) bị tàn phá bởi trận động đất lớn và sóng thần năm 2011, hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ở nhà máy này, lại gặp sự cố bất ngờ ngừng hoạt động kéo dài 29 giờ. Công ty điện lực Tokyo tìm thấy một con chuột chết, dường như bị điện giật, gần một bảng điện tạm thời dùng để cung cấp điện cho hệ thống làm mát tại ba bể chứa nhiên liệu trong nhà máy, vào thứ tư 20/3/2013. Con chuột có thể đã gặm bảng điện hoặc hệ thống dây điện, gây ra sự cố mất điện. May mắn, không có bức xạ nào bị rò rỉ do mất điện.
Năm 2013, một đàn sứa mặt trăng (Aurelia aurita) lớn bất thường tràn vào khu vực lấy nước của nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn ở phía đông nam Thụy Điển. Đàn sứa khổng lồ làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước mát của nhà máy. Điều này khiến nhà máy điện không nhận được nước để làm mát hệ thống lò phản ứng và turbine. Những người vận hành nhà máy điện Oskarshamn đã phải tạm ngừng hoạt động lò phản ứng số ba vào chủ nhật 29/9/2013, dẫn đến cắt khoảng 5% nguồn điện của cả nước. Đến ngày 1/10/2013, các đường ống được làm sạch sứa để khởi động lại lò phản ứng công suất 1.400 MW, một trong những lò phản ứng nước sôi lớn nhất thế giới. Nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn có 3 lò phản ứng, cung cấp 10% năng lượng cho Thụy Điển. Tháng 8/2005, lò phản ứng số một ở nhà máy Oskarshamn cũng từng tạm ngừng hoạt động vì lý do sứa tràn vào tương tự.
Năm 2015, một con rắn bò qua cầu dao máy biến áp tại Clay Electric ở Jacksonville, Florida (Mỹ) gây chập điện. Điều này gây ra tia lửa điện hồ quang khi con rắn tiếp xúc với thiết bị mang điện, làm hai máy biến áp trong trạm ngừng hoạt động, dẫn đến mất điện 5 đường dây. Khoảng 5.000 khách hàng bị ảnh hưởng mất điện kéo dài hàng giờ vào tối thứ ba ngày 15/9/2015!
Năm 2015, hai ngày sau Lễ Tạ ơn, ngày 28/11/2015, một con gà tây đi lọt vào trạm biến áp ở North Platte, Nebraska (Mỹ), bị điện giật, làm chập mạch, gây ra sự cố mất điện trên quy mô lớn trong khu vực. Hơn 6.000 khách hàng chịu cảnh mất điện trong khoảng một giờ đồng hồ.
Năm 2015, một con sóc làm chập mạch một trạm biến áp, gây mất điện lớn ở Richmond, Virginia (Mỹ). Sự việc này xảy ra ngày 31/10/2015, làm mất điện phần lớn thành phố Richmond, đèn giao thông tại một số giao lộ lớn ngừng hoạt động, các cơ sở kinh doanh và trường học phải đóng cửa, kể cả Đại học Virginia Commonwealth. Cũng trong năm 2015, một con sóc làm mất điện một phần phía tây của Helena, Montana, hơn 3.500 khách hàng, một trung tâm mua sắm và một số đèn tín hiệu giao thông quan trọng bị mất điện trong nhiều giờ. Năm 2016, chỉ riêng những con sóc đã gây khoảng 1.000 lần gián đoạn điện ở Mỹ. Sóc làm mất điện phổ biến đến mức Hiệp hội điện công cộng Hoa Kỳ theo dõi nó trên hệ thống lưới bằng “Chỉ số Sóc” (Squirrel index). Năm 2019, một con sóc lọt vào trạm biến áp, gây mất điện ở Wichita, Kansas, hơn 6.000 khách hàng ở phía đông và đông bắc Wichita bị mất điện vào buổi sáng thứ tư 11/12/2019 và có điện trở lại vào buổi trưa cùng ngày.
Năm 2016, một con chồn bị cháy đen được tìm thấy tại hiện trường vụ ngừng hoạt động máy gia tốc hạt lớn nhất và mạnh nhất thế giới đặt ở Thụy Sĩ. Máy gia tốc hạt The Large Hadron Collider trị giá 7 tỉ đô la, được đặt trong đường hầm dài 27 km (17 dặm) nằm dọc biên giới Pháp - Thụy Sĩ, được sử dụng để chứng minh sự tồn tại của Higgs Boson, còn được gọi là hạt Chúa, bằng cách cho các chùm proton va chạm với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng. Việc phát hiện ra hạt Higgs, đã mang về giải Nobel Vật lý năm 2013 cho hai nhà khoa học đưa ra giả thuyết về sự tồn tại của nó vào năm 1964. Vậy mà một con chồn đã làm ngừng hoạt động cỗ máy siêu tốc này ngày 29/4/2016. Các kỹ sư tìm thấy tàn tích cháy đen một con chồn gần dây cáp điện bị gặm, gây ra sự cố đoản mạch. Con chồn không may đã không thể sống sót sau cuộc thử thách với máy biến áp 66 kilovolt (66.000 volt).
Năm 2016, một con khỉ vervet rơi vào máy biến áp tại nhà máy thủy điện Gitaru, gây sự cố mất điện lớn cho khắp đất nước Kenya. May mắn, nguồn điện có trở lại sau gần bốn giờ đồng hồ. Còn chú khỉ vụng về vẫn còn sống sót. Công ty điện lực KenGen cho hay, nguyên nhân do con khỉ trèo lên mái nhà máy điện Gitaru, sau đó rơi xuống máy biến áp tại nhà máy điện Gitaru hôm thứ ba 7/6/2016. Sau đó, máy biến áp bị ngắt, gây ra phản ứng dây chuyền, dẫn đến mất 180 MW, làm mất điện trên khắp Kenya. Thủy điện Gitaru là nhà máy thủy điện lớn nhất Kenya, nằm trên sông Tana ở Nairobi (Kenya), có công suất 225MW.
Năm 2018, một con hải ly gặm cây ở Knott County, khi cây đổ đã gây mất điện khoảng 1.000 khách hàng ở Kentucky (Mỹ). Hải ly gặm cây là chuyện không lạ bởi chúng là loài gặm nhấm. Nhưng cây bị hải ly gặm, ngã vào đường dây điện gần Pippa Passes ở Knott County, Kentucky là chuyện hy hữu. Sự cố làm khoảng 1.000 khách hàng bị mất điện vào thứ năm ngày 15/3/2018. Điện được khôi phục cho khách hàng bị ảnh hưởng trong khoảng 30 phút sau đó.
Năm 2019, một con ốc sên bò vào một thiết bị điện được lắp đặt gần đường ray, gây chập điện, khiến hai tuyến đường sắt cao tốc Kyushu ở miền nam Nhật Bản bị mất điện. Sự việc xảy ra ngày 30/5/2019, khiến 26 chuyến tàu cao tốc bị hủy, làm khoảng 12.000 hành khách bị trễ hành trình. Con ốc sên bị chết cháy sau khi tiếp xúc với dây cáp điện, làm chập mạch thiết bị.