Các nhà khoa học tại IOCB Prague phát triển phương pháp sạch hơn, thông minh hơn để thu hồi các nguyên tố đất hiếm quan trọng, vốn rất cần thiết cho các công nghệ, từ điện thoại thông minh đến turbine gió.

Kỹ thuật này có thể chiết xuất hiệu quả các kim loại như neodymium, dysprosium từ nam châm đất hiếm bị loại bỏ, bỏ qua các dung môi độc hại và chất thải phát sinh do các quy trình tái chế thông thường tạo ra.

Với nhu cầu đất hiếm toàn cầu tăng vọt, các phương pháp thu hồi bền vững ngày càng cấp thiết. Các kỹ thuật khai thác hiện nay tiêu tốn nhiều năng lượng và thường để lại chất thải độc hại, gây hại cho môi trường.

Sự thống trị của Trung Quốc đối với chuỗi cung ứng đất hiếm trên toàn cầu cũng làm tăng thêm các rủi ro địa chính trị, đặc biệt đối với châu Âu và Bắc Mỹ.

Trong bối cảnh này, quy trình tái chế và tái sử dụng các thành phần từ các sản phẩm hết vòng đời, được phát triển tại IOCB Prague có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp đất hiếm.

Phương pháp của nhóm nghiên cứu giải quyết các vấn đề cơ bản của việc tái chế neodymium. Quy trình này thân thiện với môi trường và nhóm tin rằng có thể hoạt động ở quy mô công nghiệp. Nhóm nghiên cứu phát triển loại hợp chất chelate mới, phân tử liên kết các ion kim loại, có tác dụng kết tủa neodymium từ các nam châm hòa tan, trong khi dysprosium vẫn ở trong dung dịch.

Điều này cho phép tách sạch các thành phần. Phương pháp này hoạt động trong nước, tránh được chất thải nguy hại, và hiệu quả tốt hơn các phương pháp truyền thống sử dụng hóa chất độc hại. Nó cũng có thể áp dụng cho các nguyên tố đất hiếm khác có trong nam châm neodymium.

Công nghệ này đã được cấp bằng sáng chế và ra đời đúng vào thời điểm các ngành công nghiệp đang tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sạch hơn. Các khám phá này được công bố trên tạp chí của Hiệp hội hóa học Hoa Kỳ.