Sân bay quốc tế Cochin tại bang Kerala, Ấn Độ, do Cochin International Airport Limited (CIAL) sở hữu và điều hành, bắt đầu hoạt động từ năm 1999. Sân bay Cochin bắt đầu sử dụng năng lượng mặt trời vào tháng 3/2013, khi lắp đặt thí điểm 100 kWp điện mặt trời trên mái của khối nhà ga đến. Vào tháng 11/2013, sân bay Cochin lắp đặt tiếp hệ thống điện mặt trời công suất 1 MWp, một phần trên mặt đất của khuôn viên Bảo tàng sân bay, một phần trên mái của nhà bảo dưỡng máy bay và tòa nhà Học viện hàng không. Đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên có quy mô megawatt tại bang Kerala (Ấn Độ).

Từ thành công của hệ thống điện mặt trời trên, sân bay Cochin có bước đi mạnh mẽ khi xây dựng tiếp hệ thống điện mặt trời công suất 12 MWp trên diện tích 45 mẫu Anh liền kề với nhà ga hàng hóa. Hệ thống điện mặt trời này hoạt động vào tháng 8/2015, đưa công suất lắp đặt ở sân bay lên 13,1 MWp và sân bay Cochin tự hào là “sân bay đầu tiên trên thế giới sử dụng hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời”.

Sân bay Cochin tiếp tục tiến sâu vào lĩnh vực sản xuất điện mặt trời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng khi đưa nhà ga quốc tế mới vào hoạt động, làm tăng gấp đôi mức tiêu thụ năng lượng của sân bay. Bắt đầu giai đoạn II, tháng 5/2016, hệ thống điện mặt trời công suất 2,4 MWp đưa vào hoạt động, bên cạnh hệ thống 12 MWp hiện có.

Tiếp đó, vào tháng 3/2017 cùng với lễ khánh thành nhà ga quốc tế mới, một hệ thống điện mặt trời công suất 3 MWp trong khuôn viên nhà bảo dưỡng máy bay và một hệ thống điện mặt trời công suất 2 MWp ở phía nam sân bay bên ngoài bức tường ranh giới hoạt động được đưa vào sử dụng.

Vào tháng 7/2017, bãi đậu ô tô có mái che nằm trước tòa nhà nhà ga quốc tế mới, được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 2,7 MWp được đưa vào sử dụng.

Vào tháng 3/2018, hệ thống điện mặt trời công suất 6 MWp trên kênh đào Chengalthodu ở phía nam sân bay, bên ngoài bức tường ranh giới hoạt động được đưa vào sử dụng. Sau đó, hệ thống này được tháo dỡ và lắp đặt lại đối diện với Trung tâm hội chợ thương mại CIAL vào tháng 5/2020, sau hai trận lũ liên tiếp vào năm 2018 và 2019. Sau đợt mở rộng giai đoạn II, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời do CIAL sở hữu đạt 29,1 MWp.  

Đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng khi đưa vào vận hành nhà ga nội địa T1 mới được cải tạo, giai đoạn III tiếp tục triển khai với tổng công suất 9,8 MWp gồm hai hệ thống. Hệ thống thứ nhất công suất 2,6 MWp được đặt tại hai địa điểm, gồm nhà để xe phía trước nhà ga nội địa T1 đã được cải tạo và ở bãi đậu xe chở hàng. Hệ thống điện mặt trời ở nhà để xe này được đưa vào vận hành vào tháng 7/2019. Hệ thống thứ hai công suất 7,2 MWp được đưa vào vận hành trong hai giai đoạn, gồm 6,7 MWp trải rộng tại bốn địa điểm trong khuôn viên sân bay vào tháng 9/2019 và điện mặt trời nổi công suất 500 kW vào tháng 1/2020.

Với việc hoàn thành kế hoạch mở rộng giai đoạn III, tổng công suất các nhà máy điện mặt trời do CIAL sở hữu đạt 39 MWp. Sau các thành công phát triển năng lượng mặt trời ở sân bay, CIAL mở rộng xây dựng các công trình năng lượng tái tạo khác, như nhà máy điện mặt trời Payyanur công suất 12 MWp tại Ettukudukka gần Payyanur, Kerala. Hiện tại, CIAL có tổng công suất năng lượng mặt trời được lắp đặt là hơn 50 MWp.

Giảm lượng khí thải carbon để tránh tác động đến môi trường và biến đổi khí hậu là trách nhiệm chung của mọi người, mọi ngành. Sân bay Cochin nhận được sự hoan nghênh trên toàn thế giới vì đã sản xuất được 312 triệu đơn vị năng lượng mặt trời vào tháng 8/2023, giảm đáng kể lượng khí thải CO2. Năm 2018, sân bay Cochin đạt giải thưởng “Nhà vô địch của Trái đất” (Champions of the Earth), giải thưởng cao quý về môi trường do Liên hợp quốc trao tặng.