Trung Quốc vừa lên kế hoạch xây dựng nhà máy thủy điện khổng lồ trên con đập lớn nhất thế giới, nằm trên sông Yarlung Tsangpo ở rìa phía đông cao nguyên Tây Tạng. Khi hoàn thành, nhà máy điện này sẽ tạo ra lượng điện lớn hơn gấp ba lần so với sản lượng của nhà máy điện Tam Hiệp, hiện là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.

Con đập dự kiến nằm ở hạ lưu sông Yarlung Zangbo, có thể sản xuất 300 tỉ kilowatt (kWh) giờ điện mỗi năm, theo thiết kế ước tính của Tổng công ty xây dựng điện Trung Quốc vào năm 2020. Con số này lớn hơn gấp ba lần sản lượng thiết kế 88,2 tỉ kWh của đập Tam Hiệp, nằm ở miền trung Trung Quốc.

Một đoạn hạ lưu của sông Yarlung Zangbo dốc xuống với độ cao ấn tượng là 2.000 mét, trong phạm vi ngắn 50km. Chỉ yếu tố này đã cho thấy con sông mang lại tiềm năng thủy điện lớn. Tuy nhiên, để khai thác nguồn năng lượng này, sẽ phải khoan ít nhất bốn đường hầm dài 20km ở núi Namcha Barwa để chuyển hướng một nửa lưu lượng dòng chảy của con sông với vận tốc khoảng 2.000 mét khối mỗi giây.

Địa điểm của dự án này có khả năng nằm dọc ranh giới của một mảng kiến ​​tạo, nơi dễ gặp nguy cơ động đất nếu khả năng đó xảy ra trong tương lai. Điều đó cho thấy đây là một dự án phức tạp để thực hiện. Các bên tham gia dự án có kế hoạch sử dụng dữ liệu từ các cuộc thăm dò địa chất mở rộng và những tiến bộ công nghệ để đảm bảo việc xây dựng được hỗ trợ bởi khoa học và có chất lượng cao nhất.

Dự án này cũng sẽ là cơ hội phát triển các dự án năng lượng gió, năng lượng mặt trời trong khu vực lân cận để tăng thêm sản lượng năng lượng sạch của Trung Quốc. Qua đó kích thích các ngành công nghiệp liên quan và tạo việc làm tại Tây Tạng. Với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chưa biết có bao nhiêu người sẽ phải di dời do dự án này và sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ sinh thái địa phương. Nhưng theo các quan chức Trung Quốc, các dự án thủy điện ở Tây Tạng, nơi nắm giữ hơn một phần ba tiềm năng thủy điện của Trung Quốc, sẽ không có tác động lớn đến môi trường hoặc nguồn cung cấp nước hạ lưu.

Tuy nhiên, Ấn Độ và Bangladesh bày tỏ lo ngại về con đập, vì dự án có khả năng làm thay đổi không chỉ hệ sinh thái địa phương, mà còn cả dòng chảy và hướng chảy của con sông. Điều đó có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người ở hạ lưu tại Ấn Độ và Bangladesh, như lũ quét hoặc tình trạng thiếu nước.

Sông Yarlung Zangbo trở thành sông Brahmaputra khi nó rời khỏi Tây Tạng, chảy về phía nam vào các tiểu bang Arunachal Pradesh và Assam của Ấn Độ, cuối cùng vào Bangladesh.

Hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về thời điểm thực hiện và địa điểm chính xác của dự án.