Chuyện bắt đầu từ một nguyên tử
Mọi thứ vật chất xung quanh bạn, đều được tạo thành từ các hạt nhỏ gọi là nguyên tử. Nguyên tử không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nguyên tử chứa các proton mang điện tích dương, các electron mang điện tích âm và các neutron trung hòa.
Khi chạm vào vật kim loại, một số người đột nhiên cảm thấy như bị giật điện. Đó là hiện tượng tĩnh điện. Tĩnh điện là hiện tượng mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật, chính xác hơn là sự mất cân bằng giữa điện tích âm và điện tích dương trong các nguyên tử.
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tĩnh điện là do hai vật rắn cọ xát vào nhau, một vật mất electron sẽ mang điện tích dương, một vật nhận electron sẽ mang điện tích âm. Do vật nhận electron có nhiều khoảng trống trong lớp vỏ ngoài cùng của nó, còn vật mất electron thì có các electron liên kết yếu, do đó electron có thể di chuyển từ vật này sang vật kia tạo ra sự mất cân bằng điện tích.
Cú giật tê tê mà bạn cảm thấy, đôi khi là kết quả của sự chuyển động nhanh chóng của các electron này.
Con người có thể cảm nhận thấy sự mất cân bằng điện tích khi chạm tay vào các vật kim loại như tay nắm cửa, cạnh giường; trong lúc mặc hoặc co kéo quần áo; chải đầu bằng lược nhựa. Một ví dụ điển hình cũng thường gặp phải trong mùa đông là tóc dựng lên khi cởi bỏ mũ. Khi độ ẩm của tóc mất đi do điều kiện khô hanh sẽ khiến cho tóc dễ sinh ra tĩnh điện.
Một phần do thời tiết
Hiện tượng tĩnh điện xuất hiện phổ biến nhất vào mùa đông, trời trở lạnh hoặc khi khí hậu xung quanh chúng ta khô. Theo các nhà khoa học, tĩnh điện đa số xảy ra trong thời tiết giá lạnh vì không khí lúc này thường thiếu độ ẩm cần thiết cho điện tích duy trì sự cân bằng.
Còn vào mùa hè, độ ẩm không khí sẽ loại bỏ các electron mang điện tích âm, nên bạn sẽ hiếm khi cảm nhận được hiện tượng tĩnh điện.
Giải pháp phòng tránh tĩnh điện
May mắn là tĩnh điện không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người nên bạn không quá lo lắng, dẫu đôi khi gây ra chút phiền toái. Bạn có thể xem xét một số giải pháp sau để phòng tránh tĩnh điện.
Tăng cường độ ẩm cho không khí. Giải quyết nguyên nhân độ ẩm trong không khí thấp đáng kể trong phòng vào mùa đông bằng cách sử dụng thêm máy phun sương tạo ẩm để hạn chế hiện tượng tĩnh điện.
Chất liệu quần áo. Quần áo có chất liệu sợi tổng hợp như polyester, nylon có thể dễ dẫn tới tĩnh điện. Bạn có thể sử dụng quần áo có chất liệu vải tự nhiên như cotton. Bên cạnh đó, việc ngâm với nước xả vải cũng có thể giúp làm mềm quần áo và ngăn tĩnh điện. Phơi quần áo cũng là cách giúp giảm nguy cơ tĩnh điện hơn, thay vì làm khô quần áo bằng máy sấy
Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên. Duy trì và tăng cường độ ẩm cho làn da là điều vô cùng cần thiết trong thời tiết hanh khô. Mọi người có thể thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt là khi mặc quần áo có chất liệu như polyester, nylon.