Nguyên nhân bóng đèn huỳnh quang nhấp nháy
Bóng đèn huỳnh quang (đèn tuýp) là một ống thuỷ tinh dài với 2 sợi tóc bóng đèn ở 2 đầu. Trong lòng ống được hút chân không, có chứa một ít khí trơ (argon hay neon), thuỷ ngân. Mặt trong ống thủy tinh được tráng một lớp huỳnh quang (phosphor). Cơ chế phát sáng của đèn huỳnh quang nhờ hai điện cực ở hai đầu nối với dòng điện xoay chiều. Ánh sáng được sinh ra qua các va chạm giữa electron với khí trơ, thuỷ ngân và với lớp huỳnh quang. Hiện tượng phóng điện trong môi trường khí diễn ra được nhờ hai bộ phận: tăng phô hay còn gọi là chấn lưu (ballast) và con chuột hay còn gọi là tắc te (starter).
Khi bóng đèn huỳnh quang bị nhấp nháy tức là hiện tượng phóng điện không được liên tục. Những nguyên nhân chủ yếu khiến bóng đèn huỳnh quang nhấp nháy gồm:
- Do phần tiếp xúc giữa chân bóng đèn và máng đèn kém.
- Do tăng phô có vấn đề, hoặc không phù hợp với công suất chiếu sáng của bóng đèn.
- Do tắc te bị lỏng, hay bị hỏng.
- Do bóng đèn huỳnh quang đã sử dụng lâu ngày, bóng đèn quá cũ, sắp hết tuổi thọ.
- Do nguồn điện cung cấp khá yếu hoặc không ổn định nên bóng đèn không thể phát sáng được mà cứ nhấp nháy mãi một thời gian sau mới sáng lên được. Đây là nguyên nhân thường gặp ở các vùng nông thôn, nhất là trong giờ cao điểm sử dụng điện.
Cách khắc phục đèn huỳnh quang bị nhấp nháy
Khi thấy bóng đèn huỳnh quang bị nhấp nháy, bạn hãy kiểm tra và khắc phục theo các bước sau đây:
- Kiểm tra bóng đèn: Xoay nhẹ thử bóng đèn để xem điểm tiếp xúc của chân bóng đèn và máng đèn có chắc chắn không. Nếu đèn vẫn nhấp nháy, hãy tháo bóng đèn và lắp vào một máng đèn mới để kiểm tra xem đèn có sáng bình thường hay không? Nếu bóng không sáng hoặc vẫn tiếp tục nhấp nháy thì bóng đã sắp hỏng hay gần hết tuổi thọ, bạn cần phải thay bóng đèn mới. Lưu ý, công suất của bóng đèn cần phù hợp với chấn lưu.
- Kiểm tra tăng phô: Kiểm tra tăng phô cũng đồng thời là kiểm tra các điểm dây điện kết nối có lỏng không để vặn chặt lại. Tháo máng đèn xuống, sau đó tháo rời tăng phô, lắp vào máng đèn mới để kiểm tra. So sánh hiện tượng cháy sáng của bóng đèn ở 2 máng đèn với cùng một tăng phô đang kiểm tra. Nếu bóng vẫn có hiện tượng nhấp nháy, không sáng, chứng tỏ tăng phô bị hỏng, cần thay tăng phô mới.
- Kiểm tra tắc te: Nếu tắc te bị lỏng, bạn hãy vặn chặt lại. Hoặc tháo tắc te ra kiểm tra xem có bị đen hay bị hỏng không. Trường hợp tắc te bị đen hoặc không sáng thì cần phải thay thế tắc te mới.
Nguyên nhân bóng đèn LED chập chờn
Bóng đèn LED bị nhấp nháy có thể do các nguyên nhân sau:
- Chất lượng bộ nguồn (Driver). LED Driver là một trong những bộ phận quan trọng nhất của bóng đèn LED, nó có nhiệm vụ chuyển đổi từ nguồn điện xoay chiều sang một chiều, kiểm soát dòng điện và điện áp cung cấp để đèn chiếu sáng. LED Driver kém chất lượng hoặc bị hỏng khiến cho dòng điện đi qua đèn LED không ổn định, dẫn đến hiện tượng đèn LED bị nhấp nháy.
- Chất lượng tản nhiệt. Khi bóng đèn chiếu sáng sẽ tỏa ra một lượng nhiệt rất lớn. Để đảm bảo chất lượng ánh sáng ổn định thì tản nhiệt cần phải giải phóng lượng nhiệt của đèn, giữ mức nhiệt ổn định để bóng đèn hoạt động hiệu quả. Trường hợp tản nhiệt kém chất lượng, dẫn đến LED Driver bị hỏng, điện áp cung cấp không ổn định, khiến đèn LED bị nhấp nháy.
- Nguồn điện áp cung cấp không phù hợp. Điện áp cung cấp không đủ hoặc không ổn định cũng khiến đèn LED bị nhấp nháy, chập chờn, nhanh hỏng.
- Dây điện dẫn nguồn điện đến đèn bị sút, bị đứt. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nguồn điện cung cấp không ổn định, gây ra hiện tượng đèn nhấp nháy hoặc không hoạt động.
Cách khắc phục đèn LED bị nhấp nháy
- Kiểm tra điện áp đầu vào bộ nguồn Driver và điện áp đầu ra, nếu không tương thích thì bạn phải thay thế một Drive mới. Bạn cũng kiểm tra nếu đang sử dụng bộ Driver kém chất lượng, hãy chuyển đổi sang một bộ Driver tốt hơn, tương thích với dòng điện, để đảm bảo đèn hoạt động bình thường.
- Kiểm tra lại các thông số kỹ thuật trên bộ nguồn, nếu như bộ nguồn lớn hơn 2 lần công suất của đèn LED đang sử dụng, hãy gắn thêm 1 đèn LED song song vào thì sự cố đèn LED nhấp nháy sẽ được chấm dứt.
- Kiểm tra vị trí lắp đặt bóng đèn phải luôn khô ráo, thoáng mát. Đèn được lắp ở khu vực thoáng, thông gió sẽ thuận lợi cho việc thoát nhiệt trong quá trình sử dụng đèn.
- Kiểm tra lại đường dây nguồn cung cấp cho bóng đèn LED có được lắp đặt đúng cách không.