Bạn có thể giải thích, bụi bay lơ lửng trong không khí, bụi bám trên mặt bàn, mặt ghế, mặt bếp. Thế nên, bụi bám trên cánh quạt là đương nhiên. Bạn giải thích đúng nhưng với cánh quạt thì bụi nhiều hơn hẳn. Lý do tại sao?
Đó là do tĩnh điện. Phần lớn các hạt bụi bay trong không khí đều mang điện tích. Điều này khiến các phân tử bụi hút nhau, tạo thành những đám bụi dưới gầm giường, góc bếp nhà bạn.
Khi quạt điện hoạt động, cánh quạt di chuyển nhanh trong không khí, quét qua các phân tử không khí để tạo luồng gió. Do lực ma sát giữa cánh quạt và không khí, tĩnh điện sẽ xảy ra. Tĩnh điện xảy ra do sự tích tụ điện tích ở cạnh trước – cạnh “chém” vào không khí nhiều hơn – của cánh quạt.
Các phân tử bụi di chuyển trong không khí, tiếp xúc với cạnh trước của cánh quạt, chúng bị hút về cạnh tích điện và bám vào đó. Cạnh trước của cánh quạt là nơi tích tụ và duy trì điện tích cao nhất. Đó là lý do tại sao các hạt bụi bám cạnh trước cánh quạt nhiều hơn so với cạnh bên kia.
Theo thời gian, các hạt bụi hiện có sẽ tiếp tục thu hút nhiều hạt hơn, làm tăng lượng bụi bám trên cánh quạt. Khi quạt càng quay nhiều thì tĩnh điện càng lớn, bụi bám ngày càng nhiều hơn.
Riêng đối với quạt trần, còn có một lý do khác là luồng không khí chuyển động xung quanh cánh quạt và động lực học chất lỏng khiến bụi tích tụ trên cánh quạt.
Ghi chú: Tĩnh điện là hiện tượng mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật, chính xác hơn là sự mất cân bằng giữa điện tích âm và điện tích dương trong các nguyên tử.
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng tĩnh điện là do hai vật ma sát vào nhau, một vật mất electron sẽ mang điện tích dương, một vật nhận electron sẽ mang điện tích âm. Do vật nhận electron có nhiều khoảng trống trong lớp vỏ ngoài cùng của nó, còn vật mất electron thì có các electron liên kết yếu, do đó electron có thể di chuyển từ vật này sang vật kia tạo ra sự mất cân bằng điện tích.