Để giảm thiểu biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu, chuyển đổi năng lượng được xem là một trong những yếu tố cần thiết để giải quyết vấn đề, trong đó điện gió và điện mặt trời đóng vai trò quan trọng. Trong khi đó, điện hạt nhân cũng được xem là nguồn năng lượng sạch nhưng lại không được đề cập trong chuyển đổi năng lượng. Tại sao như thế?

Thời gian triển khai lâu

Thời gian triển khai lâu nghĩa là tính từ khi dự án lập kế hoạch đến khi vận hành lò phản ứng hạt nhân. Thời gian triển khai của các nhà máy điện hạt nhân từng được xây dựng trên thế giới đều từ ít nhất 5 - 10 năm trở lên. Trong khi đó, cũng các hạng mục tương đương nhưng dự án điện gió, điện mặt trời triển khai nhanh hơn nhiều.

Trung bình, xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mất khoảng 12 - 13 năm, từ giai đoạn lập kế hoạch cho đến khi vận hành. Việc triển khai càng lâu, càng nhiều thiệt hại về tài chính, nguồn lực. Sự chậm chạp vận hành càng ít ý nghĩa trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nhanh hơn.  

Đối với các trang trại điện gió hay điện mặt trời quy mô, chỉ mất trung bình từ 3 - 5 năm là hoàn thành, từ giai đoạn lập kế hoạch đến khi vận hành. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà còn nhanh hơn, chỉ khoảng 6 tháng. Vì vậy, việc chuyển đổi năng lượng càng sớm sẽ giúp giảm bớt biến đổi khí hậu.

Chi phí đầu tư cao

Chi phí cho dự án điện hạt nhân bao gồm: vốn đầu tư, chi phí vận hành, nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng định kỳ, bảo hiểm quốc tế, chi phí sau khai thác. Chi phí đầu tư cho dự án điện hạt nhân thường lên đến hàng tỉ USD, tùy quy mô dự án lớn hay nhỏ. Đặc biệt, sau một vài sự cố nhà máy điện hạt nhân, tính an toàn càng chú trọng khiến chi phí càng tăng lên. Chưa kể, việc triển khai chậm các nhà máy điện hạt nhân, còn dễ dẫn đến phát sinh chi phí, khiến nguồn đầu tư tăng cao.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư không bao gồm chi phí xử lý sự cố, điều không ai mong muốn xảy ra. Ví dụ, chi phí để dọn dẹp, khắc phục thiệt hại từ sự cố lò phản ứng hạt nhân Fukushima I (Nhật Bản) sau thảm họa sóng thần năm 2011 ước tính khoảng 200 tỉ USD, trong khi những con số khác đưa ra lớn hơn nhiều.

Ngoài ra, còn phải tính đến chi phí lưu trữ chất thải hạt nhân trong hằng trăm nghìn năm. Số tiền này sẽ tăng lên khi chất thải tiếp tục tích lũy. Sau khi các nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động, việc phải tiếp tục chi tiêu trong hằng trăm nghìn năm mà không có nguồn doanh thu từ việc bán điện là chuyện không tưởng.

Rủi ro sự cố

Sự cố là điều không ai mong muốn và rất hiếm xảy ra. Nhưng rất hiếm không có nghĩa là không xảy ra. Các sự cố từng xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân đều gây ra thiệt hại lớn như: Three Mile Island (Hoa Kỳ) năm 1979; Chernobyl (Nga) năm 1986; Fukushima I (Nhật Bản) năm 2011.

Ngành công nghiệp hạt nhân ngày càng nghiên cứu cải tiến thiết kế các lò phản ứng mới, chu trình vận hành được cho là an toàn cao hơn. Tuy nhiên, những cải tiến mới không có gì đảm bảo rằng các lò phản ứng sẽ được xây dựng và vận hành chính xác để đảm bảo không có bất cứ rủi ro nào xảy ra khi có một thảm họa thiên nhiên (động đất, sóng thần) hoặc hành động khủng bố đến bất chợt.

Tăng nhiệt vào không khí

Nếu cho rằng nhà máy điện hạt nhân có lượng phát thải carbon tương đương gần bằng 0 thì tất cả nhà máy điện hạt nhân đều tỏa ra một lượng lớn hơi nước và nhiệt vào không khí.

Thực tế, các lò phản ứng hạt nhân phải luôn được làm mát. Điều này liên quan đến sự an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Đối với các nhà máy điện gần biển hoạt động theo chu trình hở, nước được lấy, sau đó thải ra ngoài (không bao giờ tiếp xúc với sản phẩm phóng xạ) với nhiệt độ cao hơn một vài độ. Đối với các nhà máy điện có chu trình khép kín, có ống khói để hơi nước nóng thoát ra. Nhiều người nhìn thấy hơi trắng thoát lên từ ống thoát của các nhà máy điện hạt nhân, tưởng đó là khói thải (như nhà máy điện than) nhưng thực tế, đó là hơi nước bốc lên từ hệ thống làm mát.

Rủi ro cho môi trường

Từ giai đoạn khai thác uranium làm nhiên liệu cho đến khi sử dụng xong các thanh nhiên liệu là một quá trình dài luôn gắn đến yếu tố môi trường. Các thanh nhiên liệu sử dụng từ các nhà máy hạt nhân là chất thải phóng xạ. Hầu hết các thanh nhiên liệu được lưu trữ ở cùng vị trí với lò phản ứng đã sử dụng chúng.

Điều này dẫn đến hàng trăm bãi thải phóng xạ ở nhiều quốc gia phải được duy trì và phải chi phí cho công việc này trong ít nhất 200.000 năm, vượt xa tuổi thọ của bất kỳ nhà máy điện hạt nhân nào. Càng tích tụ nhiều chất thải hạt nhân thì nguy cơ rò rỉ phóng xạ càng lớn, có thể gây thiệt hại cho nguồn nước, cây trồng, động vật và con người.