Vì sao bên trong máy giặt lại có mùi hôi? Làm thế nào để đánh bay mùi hôi khó chịu ấy, giữ cho máy giặt sạch sẽ, giúp quần áo luôn thơm tho?
Nguyên nhân máy giặt có mùi hôi
Ống dẫn nước thải đóng cặn bẩn
Đây là nguyên nhân thường thấy nhất gây ra tình trạng máy giặt có mùi khó chịu. Mỗi máy giặt đều có một ống bằng cao su để dẫn nước thải từ lồng giặt ra ngoài. Nếu sau mỗi lần giặt, nước thải chảy không hết, cặn bẩn đọng lại lâu ngày sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển, dẫn đến có mùi hôi trong lồng giặt.
Lồng giặt bị cáu bẩn, nấm mốc
Phần lớn, người sử dụng đều nghĩ rằng, mỗi lần giặt quần áo thì máy giặt cũng tự làm sạch với nước và xà phòng. Nhưng thực tế, mỗi lần giặt là mỗi lần máy lưu lại một chút chất bẩn từ quần áo, một chút xà phòng không được xả hết, cứ thế tích tụ lâu ngày thành thứ mùi khó chịu của máy giặt bị bẩn.
Thường xuyên đóng kín cửa máy giặt
Môi trường phía trong máy giặt thường xuyên ẩm ướt, lại thêm thói quen bạn thường xuyên đóng kín nắp, hơi ẩm không thoát ra ngoài được, dẫn đến ẩm thấp, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Đây cũng là lý do gây ra mùi khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng quần áo khi giặt.
Cách vệ sinh lồng giặt
Với máy giặt cửa trước (máy giặt lồng ngang)
Đối với loại máy giặt cửa trước, việc vệ sinh máy giặt sẽ tốn nhiều công đoạn hơn.
- Đầu tiên, bạn cho máy giặt chạy không tải một chu kì giặt với nước có nhiệt độ nóng mà không sử dụng kèm bột giặt hay nước tẩy. Chu kì này sẽ tẩy sạch những bột giặt dư thừa còn đọng lại trong máy, đồng thời diệt khuẩn cho máy.
- Sau đó, bạn hãy tháo ngăn đựng bột giặt và nước xả ra, ngâm ngập trong nước. Nếu ngăn đựng quá bẩn, hãy ngâm trong nước nóng có đổ thêm một lượng nước tẩy thích hợp.
- Dùng một miếng vải sạch, thấm nước nóng, chùi kỹ các mép cửa máy (kéo cả lớp goăng cao su ở mép cửa để lau chùi mảng bám xà phòng và bụi bẩn đọng lại phía bên trong).
- Lau kĩ lớp goăng cao su ở cửa máy giặt.
- Lau hốc phía trong máy giặt, nơi ngăn chứa bột giặt và nước xả đã được tháo ra.
- Sau cùng, bạn dùng một bàn chải đánh răng cũ để đánh sạch những mảng bám còn lại trong ngăn chứa bột giặt và nước xả. Tráng lại thật kĩ, sau đó làm khô và lắp lại vào máy.
Với máy giặt cửa trên (máy giặt lồng đứng)
- Với máy giặt cửa trên, đầu tiên bạn cũng đổ nước nóng đầy lồng giặt. Sau đó, đổ thêm 3 - 4 cốc giấm trắng và nửa cốc muối nở (baking soda).
- Đặt máy giặt ở chế độ giặt để giấm và muối nở được hòa tan hoàn toàn, thấm sâu vào các ngõ ngách trong lồng giặt, giúp loại bỏ các vết nấm mốc còn bám lại bên trong máy.
- Ngâm máy trong khoảng 30 - 60 phút để chất acid và chất kiềm tẩy sạch tất cả các chất bẩn còn bám lạ.
- Sau 30 - 60 phút, hãy để máy xả hết nước.
- Khi máy đã xả hết nước xong, bạn hãy dùng khăn khô sạch để thấm hết nước bên trong lồng giặt.
- Mở cửa máy giặt để bên trong được khô hoàn toàn.
Những lưu ý khi sử dụng máy giặt.
Không sử dụng quá nhiều lượng bột giặt (nước giặt) trong mỗi lần giặt.
Phần lớn người dùng đều nghĩ rằng, dùng nhiều bột giặt (nước giặt) sẽ làm quần áo sạch hơn. Tuy nhiên, dù cho quần áo có dính đầy bùn đất thì bạn chỉ nên sử dụng lượng nước giặt theo chỉ định. Quá nhiều bột giặt, nước giặt sẽ khiến máy không dùng hết, lượng nước giặt còn thừa không được xả hết ra ngoài, dễ gây tồn trong máy, vi khuẩn có thể bám lại bên trong máy giặt.
Để hạn chế cặn bột giặt còn sót lại trong đường ống cũng như bám vào quần áo sau khi giặt, nếu có điều kiện, bạn nên sử dụng nước giặt thay vì bột giặt.
Vệ sinh máy giặt định kỳ.
Việc lau chùi bên ngoài máy giặt có thể làm thường xuyên khi trông thấy vết bẩn bằng mắt thường. Còn đối với việc vệ sinh bên trong máy giặt, bạn nên thực hiện vài tháng một lần. Công việc này có thể mất thời gian nhưng bù lại máy giặt nhà bạn sẽ bền hơn, quần áo cũng được giặt sạch hơn.
Ngoài việc làm sạch bên trong và bên ngoài, một số bộ phận khác của máy giặt cũng cần được quan tâm chăm sóc như:
+ Khay để nước giặt: Bạn hãy thường xuyên rửa và ngâm khay để nước giặt với thuốc tẩy, xả sạch với nước nóng rồi phơi khô.
+ Bộ lưới lọc: Bạn hãy tháo ra, lộn phần lưới từ trong ra ngoài, loại bỏ các cặn bẩn bám vào, giặt sạch, rồi lắp vào trở lại.
+ Ống xả: Hãy đảm bảo rằng bạn thường xuyên kiểm tra bộ phận này và thay ống xả mới nếu ống xả cũ đã bẩn, không thể vệ sinh sạch được.
+ Sau khi giặt xong, bạn nên để hở cửa máy giặt, nhằm giúp lồng giặt được thông thoáng, tránh hơi ẩm còn đọng lại trong máy giặt gây mùi hôi, mốc.
Ngoài những cách trên, hiện nay có nhiều dòng máy giặt tích hợp tính năng tự động vệ sinh lồng giặt, giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí vệ sinh lồng giặt kiểu thủ công. Bạn có thể thao tác đơn giản với các phím chức năng, máy giặt sẽ tự vận hành làm sạch lồng giặt, loại bỏ bụi bẩn, cặn bột giặt còn sót lại, giúp lồng giặt luôn sạch sẽ, hạn chế vi khuẩn gây mùi hôi, ẩm mốc.