Mục đích chính của quạt điện (quạt bàn, quạt đứng, quạt treo tường, quạt trần, quạt công nghiệp, quạt thông gió…) là tạo ra luồng không khí gió mát. Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả tốt khi sử dụng, quạt điện còn phải đảm bảo các yêu cầu khác như: tiếng ồn tối thiểu, tiết kiệm điện, độ bền sử dụng theo thời gian.
Theo nghiên cứu của các nhà sản xuất, 3 cánh là số lượng cánh tối ưu cho chuyển động và hiệu quả phân phối, lưu thông không khí của quạt điện.
Số lượng cánh quạt càng ít thì khả năng phân phối, lưu thông không khí càng cao. Đây là một trong những lý do quạt điện thường chỉ có 2 hoặc 3 cánh, chúng tạo nhiều không khí hơn. Tuy nhiên, quạt 2 cánh có cánh quạt ít hơn, ít lực ma sát không khí hơn do đó ít mát hơn so với quạt 3 cánh, đồng thời tạo tiếng ồn hơn.
Trong khi đó, quạt 3 cánh có nhiều cánh hơn so với quạt 2 cánh, nên tạo lực ma sát nhiều hơn so với quạt 2 cánh. Một vòng quay sẽ có 3 cánh tiếp xúc ma sát với không khí nên sẽ gây ra phản lực lớn hơn (làm mát hơn). Thiết kế quạt có 3 cánh cũng giảm trọng lượng so với quạt nhiều cánh, nên dễ dàng trong việc chuyển động.
Với số lượng cánh quạt nhiều hơn (4 - 5 - 6 cánh), sẽ hạn chế không gian giữa các cánh cho không khí lưu thông, quạt không cải thiện hiệu suất mà còn có xu hướng lưu thông không khí ít hơn. Khi khởi động, động cơ hoạt động mạnh hơn để giúp chuyển động số cánh quạt nhiều hơn, sẽ tốn điện hơn (dù rất nhỏ).
Khi quạt hoạt động, đặc biệt là bạn bật số lớn để quạt quay nhanh hơn, nhằm tạo luồng không khí có gió mát hơn, lúc đó động cơ quạt sẽ quay tốc độ cao hơn, nếu quạt có nhiều cánh (4 - 5 cánh), sẽ gây trọng lực nặng hơn lên động cơ, ảnh hưởng đến độ bền của quạt về lâu dài. Chúng cũng có xu hướng tạo rung lắc hơn so với quạt ít cánh hơn, nên độ bền thấp hơn.
Bên cạnh đó, còn có một chi tiết khác, thiết kế quạt nhiều cánh sẽ tốn nhiều vật liệu hơn, kéo theo tăng chi phí.
Như vậy, quạt điện có 3 cánh vì đạt các yếu tố tối ưu hơn như: tiếng ồn tối thiểu, tiết kiệm năng lượng hơn, trọng lượng nhẹ hơn, lực tác động lên động cơ ít hơn, độ bền lâu hơn. Sự kết hợp của những yếu tố này là lời giải cơ bản cho câu hỏi tại sao quạt điện thường có 3 cánh.
Trên thực tế, vẫn có nhà sản xuất cho ra đời quạt 4 cánh, 5 cánh, 6 cánh… Có lẽ mang tính thẩm mỹ, trang trí nhiều hơn và miễn sao thiết kế tạo được độ cân bằng ở trọng tâm là trục quay của mô-tơ quạt điện.