Nikola Tesla sinh ngày 10/7/1856 tại Smiljan, Croatia, khi đó là một phần của đế chế Áo - Hung. Đam mê kỹ thuật, Tesla học Toán và Vật lý tại Đại học Kỹ thuật Graz. Ông cũng học Triết học tại Đại học Praha.

Năm 1884, Tesla đặt chân đến New York (Hoa Kỳ), được nhận vào làm việc tại Edison Machine Works, công ty của Thomas Edison. Nhưng hai nhà phát minh khác xa nhau về nền tảng và phương pháp làm việc, trong đó có việc trả lương của Edison, Tesla đã nghỉ việc sau đó.

Nikola Tesla thời còn thanh niên

Ngày 16/5/1888, Tesla trình diễn động cơ xoay chiều của ông tại Viện Kỹ sư điện Hoa Kỳ. Hai tháng sau, George Westinghouse mua bản quyền bằng sáng chế hệ thống polyphase của Tesla gồm máy phát điện xoay chiều, máy biến áp và động cơ, giúp Tesla thu một số tiền đáng kể. Giao dịch này cũng dẫn đến cuộc cạnh tranh lớn giữa hệ thống dòng điện một chiều của Edison và hệ thống dòng điện xoay chiều của Tesla, cuộc cạnh tranh được các nhà khoa học ở Hoa Kỳ gọi là “cuộc chiến dòng điện”.

Mặc dù nổi tiếng và được kính trọng, nhưng Tesla không thể biến những phát minh phong phú của mình thành nguồn tài chính lâu dài, không giống như người chủ đầu tiên, cũng là đối thủ chính của ông - Thomas Edison.

Vào những năm cuối đời, tiền bán bản quyền các phát minh sáng chế dần cạn kiệt, cộng với thất bại trong dự án tháp phát sóng không dây Wardenclyffe, Nikola Tesla đã sống trong một loạt khách sạn ở New York, khi năng lượng và sức khỏe tinh thần của ông suy yếu dần.

Những ngày cuối cùng, Nikola Tesla gần như ăn chay, chỉ sống bằng sữa, bánh mì, mật ong và nước ép rau. Tesla đã dành nhiều ngày trong công viên, vui vẻ cùng những chú chim bồ câu và những đêm mất ngủ với các vấn đề khoa học trong đầu.

Theo “Tesla - Master of Lightning”, đây là bức ảnh cuối cùng chụp Tesla trước khi ông qua đời

Ngày 7/1/1943, Nikola Tesla qua đời một mình trong phòng 3327 trên tầng 33 của khách sạn New Yorker, thành phố New York, thọ 86 tuổi. Thi thể của ông được người giúp việc Alice Monaghan phát hiện sau khi cô vào phòng Tesla, mặc cho tấm biển “không làm phiền” mà Tesla đặt trước cửa phòng hai ngày trước đó.

Trợ lý giám định y tế H.W. Wembly khám nghiệm thi thể và phán quyết rằng, nguyên nhân cái chết là do huyết khối (cục máu đông) động mạch vành. Thi hài của Tesla được đưa đến nhà tang lễ Frank E. Campbell tại đại lộ Madison.

Ngày 10/1/1943, lễ tưởng niệm Nikola Tesla được tổ chức. Thị trưởng thành phố New York Fiorello La Guardia đọc bài điếu văn được viết bởi Louis Adamic, nhà văn và dịch giả người Mỹ gốc Slovenia.

Ngày 12/1/1943, khoảng hai nghìn người đã tham dự lễ tang dành cho Nikola Tesla tại Nhà thờ Saint John the Divine ở thành phố New York, ghi nhận sự ra đi của một thiên tài, một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Sau tang lễ, Nikola Tesla được an táng tại nghĩa trang Ferncliff ở Hartsdale, New York. Hai tháng rưỡi sau khi ông qua đời, ngày 25/3/1943, theo yêu cầu của Sava Kosanovic, cháu trai của Tesla, hài cốt của Nikola Tesla được hỏa táng.

Sau cái chết của Tesla, các giấy tờ, bằng cấp sáng chế, danh hiệu, thư từ và ghi chú trong phòng thí nghiệm của ông, đã được thừa kế bởi Sava Kosanovich, sau đó được đặt trong Bảo tàng Nikola Tesla ở Belgrade, Serbia.

Nikola Tesla từng bị coi là nhà bác học lập dị vì các ý tưởng của ông đi trước thời đại quá xa. Vào thời đại đó, nhiều người cho rằng Nikola Tesla bị điên khi nghĩ ra những điều không tưởng. Ông chỉ buồn bã thốt lên: “Thế giới thiển cận và lầm lạc khi cười nhạo các ý tưởng của tôi. Biết bao nhiêu người gọi tôi là kẻ hay tưởng tượng. Nhưng hãy để cho thời gian trả lời tất cả”.