Các nhà máy điện hạt nhân mới đi vào hoạt động trong những năm gần đây phần lớn đã gần bằng các nhà máy cũ đã ngừng hoạt động. Trong 20 năm qua, 107 lò phản ứng đã ngừng hoạt động trong khi 100 lò mới bắt đầu hoạt động.
Theo thống kê cập nhật đến tháng 7/2024, hiện nay có 440 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động tại 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng công suất khoảng 390 GWe. Năm 2023, các lò này cung cấp 2.602 TWh, chiếm khoảng 9% điện năng của thế giới.
Số lượng 440 lò phản ứng điện hạt nhân trên thế giới nằm ở các quốc gia, vùng lãnh thổ như sau: Hoa Kỳ (94), Trung Quốc (56), Pháp (56), Nga (36), Nhật Bản (33, trong đó 21 lò đang tạm dừng hoạt động, bảo trì), Hàn Quốc (26), Ấn Độ (23, trong đó 3 lò đang tạm dừng hoạt động, bảo trì), Canada (19), Ukraine (15), Vương quốc Anh (9), Tây Ban Nha (7), Cộng hòa Séc (6), Thụy Điển (6), Pakistan (6), Slovakia (5), Bỉ (5), Phần Lan (5), Hungary (4), Thụy Sĩ (4), UAE (4), Argentina (3), Mexico (2), Nam Phi (2), Brazil (2), Romania (2), Belarus (2), Đài Loan (2), Bulgaria (2), Slovenia (1), Hà Lan (1), Armenia (1), Iran (1).
Hoa Kỳ là quốc gia có số lượng lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động lớn nhất với 94 lò. Trong khi đó, lò phản ứng hạt nhân có công suất lớn nhất thế giới nằm ở nhà máy điện hạt nhân Taishan (Trung Quốc). Nhà máy điện Taishan có hai lò, công suất định mức là 1.750 MWe mỗi lò, công suất ròng là 1.660 MWe mỗi lò.
Bên cạnh đó, gần 70 lò phản ứng điện hạt nhân cũng đang trong giai đoạn xây dựng tại các quốc gia. Trong đó: Trung Quốc (26), Ấn Độ (11), Nga (5), Thổ Nhĩ Kỳ (4), Ukraine (4), Ai Cập (4), Bangladesh (2), Nhật Bản (2), Hàn Quốc (2), Vương quốc Anh (2), Argentina (1), Brazil (1), Pháp (1), Iran (1), Slovakia (1).
Đồng thời, hơn 100 lò phản ứng điện hạt nhân đang được các quốc gia xem xét, lập kế hoạch xây dựng. Hầu hết lò phản ứng hiện đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch đều ở các quốc gia châu Á, nơi có các nền kinh tế phát triển và nhu cầu điện tăng nhanh, cho thấy triển vọng sáng sủa về năng lượng hạt nhân của châu Á.