Tia cực tím là gì?

Tia cực tím hay còn gọi là tia UV (Ultraviolet), tia tử ngoại, là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Tia cực tím có nhiều trong ánh sáng mặt trời, con người không thể nhìn thấy bằng mắt thường.

Tia cực tím có mấy loại?

Có ánh sáng mặt trời nghĩa là có tia cực tím. Mặt trời tỏa ra cả 3 loại tia cực tím: UVA, UVB và UVC.

Theo lý thuyết, tia UVB bị tầng ozone phản xạ một phần lớn, còn tia UVC vì có bước sóng ngắn và bị tầng ozone bảo vệ trái đất hấp thụ nên bị chặn lại gần như 100%. Vì thế, có đến 99% tia cực tím chiếu xuống mặt đất là thuộc tia UVA, còn một phần nhỏ tia UVB.

Tuy nhiên, tình trạng thủng tầng ozon hiện nay đang ở mức báo động, khiến sự lo ngại các tia UVB, UVC trở nên xuất hiện nhiều hơn trong ánh sáng mặt trời.

Đặc điểm của 3 loại tia cực tím như sau:

- Tia UVA (bước sóng từ 380 - 315 nm): Là tia cực tím có bước sóng dài; không bị tầng ozone hấp thụ; tia UVA có mặt bất cứ lúc nào khi ánh sáng ban ngày xuất hiện.

- Tia UVB (bước sóng từ 315 - 280 nm): Bị tầng ozone hấp thụ phần lớn. Tia UVB xuất hiện với cường độ thay đổi tùy theo vị trí địa lý, mùa trong năm và thời gian trong ngày. Tia UVB hoạt động mạnh mẽ hơn ở những nơi có nắng nhiều.

- Tia UVC (bước sóng từ 280 - 100 nm): Bị tầng ozone và khí quyển hấp thụ hoàn toàn.

Tia cực tím có tác hại gì?

Tia cực tím là nguyên nhân gây nên các tác hại xấu cho làn da nếu tiếp xúc lâu như: Cháy nắng, lão hóa hay thậm chí tăng nguy cơ ung thư da. Cả hai loại tia UVB và UVA đều có hại cho da nhưng mức độ khác nhau.

Tia UVA sẽ chiếu sâu vào da, phá hủy dần các chất quan trọng trong da làm mất đi sự săn chắc và đàn hồi. Mặc dù không gây đau đớn nhưng tia UVA là thủ phạm làm “xuống sắc” làn da một cách thầm lặng mà chúng ta không cảm nhận được.

Tia UVB khi tiếp xúc với da sẽ gây ra các biểu hiện rõ ràng hơn mà cơ thể có thể cảm nhận được. Tia UVB kích thích quá trình chuyển hóa melanin - sắc tố da - làm cho da trở nên sạm đi, rám nắng. Nếu da người tiếp xúc với tia UVB cường độ cao sẽ gây nên hiện tượng cháy nắng, làm tăng các nguy cơ ung thư da. Tia UVB cũng gây các biểu hiện nếp nhăn, các dấu hiệu lão hóa da.

Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học tin rằng, việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi, lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.

Lợi ích của tia cực tím

Ở một khía cạnh tích cực, với liều lượng vừa phải, tia cực tím mang lại những lợi ích cho con người như giúp da tổng hợp vitamin D, diệt khuẩn.

Vitamin D giúp cho xương và răng chắc khỏe. Mặc dù vitamin D có thể được bổ sung từ một số thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày,... nhưng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách tốt nhất để tạo ra vitamin D. Vitamin D có 2 dạng: vitamin D2 và vitamin D3. D2 có trong thực vật, D3 được tổng hợp khi da tiếp xúc với tia cực tím (UV).

Tia cực tím có ứng dụng rất tích cực trong khử trùng và tiệt trùng. Tia cực tím có thể giết chết các vi sinh vật như virus, vi khuẩn, rất hữu ích khi chúng ta phơi quần áo, khăn mặt, khăn tắm ở ngoài trời. Tia UV xuyên qua màng tế bào của vi khuẩn và virus, phá hủy DNA, ngăn chặn khả năng tái sinh và nhân lên của chúng, nhiều nơi sử dụng đèn diệt khuẩn UV để khử trùng.

Chỉ số tia UV và ảnh hưởng đến sức khỏe

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0 - 2 được xem là thấp, trong khi chỉ số UV từ 10 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Chỉ số UV dưới 2: Chỉ số này cho thấy lượng bức xạ mặt trời ở mức thấp, ít gây tác hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có thể gây ra bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 60 phút trở lên trong thời gian cao điểm (từ 10h sáng đến 16h chiều) mà không có đồ bảo vệ da. Nên đeo kính râm vào những ngày sáng. Chỉ số này thường vào lúc sáng sớm hoặc những ngày mát mẻ, nhiều mây. 

Chỉ số UV từ 3 - 5: Chỉ số bức xạ UV này ở mức trung bình, nguy cơ gây tổn hại da thấp. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng từ 40 phút trở lên mà không có quần áo bảo vệ da vẫn có thể bị bỏng da. Nên ở trong bóng râm gần giữa trưa khi ánh nắng mặt trời mạnh nhất. Nếu ở ngoài trời, hãy mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm ngăn tia UV.

Chỉ số UV từ 6 - 7: Lượng bức xạ mặt trời ở mức khá cao, có khả năng gây bỏng da sau 30 phút nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mà không bảo vệ da. Từ 10h sáng đến 16h chiều là khoảng thời gian cường độ UV mạnh nhất trong ngày, bạn nên hạn chế ra khỏi nhà vào khoảng thời gian này. Nếu phải đi ra ngoài, nên trang bị đồ chống nắng, kính râm và bôi kem chống nắng. Bảo vệ da và mắt không bị tổn thương là cần thiết.

Chỉ số UV từ 8 - 10: Chỉ số UV từ 8 - 10 có nghĩa là nguy cơ bị hại rất cao do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời khoảng 20 - 25 phút mà không có đồ bảo vệ, da sẽ bị cháy nắng. Hãy cẩn thận hơn, bảo vệ da và mắt tránh bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời. Giảm thiểu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h chiều. Nếu ở ngoài trời, hãy tìm bóng râm, mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm ngăn tia UV.

Chỉ số UV trên 10: Chỉ số UV từ 10 trở lên có nguy cơ gây tổn hại rất cao cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, có khả năng bị bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong khoảng 10 - 15 phút mà không có đồ bảo vệ da. Thực hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa cho da và mắt. Cố gắng tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian từ 10h sáng đến 16h chiều. Nếu ở ngoài trời, hãy tìm bóng râm và mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm ngăn tia UV. Tốt nhất bạn nên ở nhà, tránh ra đường khi chỉ số UV ngoài trời cao như vậy.

Tự bảo vệ trước tia UV

Để bảo vệ mình khỏi những tác động có hại của tia cực tím, bạn cần sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.

Ngoài ra, bạn cần phải sử dụng các biện pháp phòng ngừa khác như: Áo sơ mi dài tay, kính râm, quần dài, mũ rộng vành và hạn chế ra khỏi nhà vào thời điểm buổi trưa để phòng ngừa những tác hại của tia UV đối với sức khỏe.