Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu độ dẫn điện là gì trước khi chúng ta xem xét trường hợp cụ thể của bạc.
Sự di chuyển của các hạt điện tích tạo nên dòng điện. Độ dẫn điện là thông số thể hiện khả năng của một chất cho phép các hạt điện tích di chuyển qua nó. Nói cách khác, độ dẫn điện chính là khả năng dẫn điện của một chất.
Sở dĩ các chất có thể dẫn điện là do chúng cho phép các electron di chuyển bên trong chúng một cách dễ dàng.
Các kim loại đều dẫn điện ở một mức độ nhất định, nhưng có một số kim loại có tính dẫn điện cao hơn các kim loại khác. Các kim loại dẫn điện tốt nhất theo thứ tự là bạc, đồng, vàng, nhôm, kẽm…
Bạc là một nguyên tố hóa học, ký hiệu Ag. Bạc là kim loại dẫn điện tốt nhất vì nó chứa số lượng electron tự do di chuyển cao hơn. Để một vật liệu trở thành chất dẫn điện tốt, dòng điện đi qua nó phải có khả năng di chuyển các electron, càng nhiều electron tự do trong kim loại thì độ dẫn điện của nó càng lớn. Các electron của bạc chuyển động tự do cao hơn so với các electron của bất kỳ nguyên tố nào.
Bên cạnh đó, độ dẫn điện của một chất còn liên quan đến điện trở suất của chất đó.
Điện trở suất hay còn được gọi là điện trở riêng, là đại lượng đặc trưng cho khả năng cản trở dòng điện của mỗi chất. Hiểu một cách đơn giản, bản chất của điện trở suất là thể hiện sự cản trở các hạt mang điện tích dịch chuyển có hướng bên trong mỗi chất.
Điện trở suất của chất tỉ lệ nghịch với khả năng dẫn điện của chất. Một chất nếu có điện trở suất càng nhỏ, chất đó sẽ có khả năng dẫn điện càng lớn. Ngược lại, một chất có điện trở suất càng lớn, khả năng dẫn điện càng nhỏ. Đối với những vật siêu dẫn điện thì điện trở của chúng rất nhỏ.
Điện trở suất có đơn vị tính là Ohm.met, ký hiệu là Ω.m.
Điện trở suất của bạc ở 20 độ C (293 K) là 1,59 × 10−8 Ωm, là điện trở thấp nhất trong tất cả các kim loại. Điều này lý giải về độ dẫn nhiệt và điện của bạc tốt như thế nào.
Mặc dù là chất dẫn điện tốt nhất nhưng bạc không được sử dụng phổ biến trong các dây dẫn, thiết bị điện như đồng, nhôm. Bởi đồng, nhôm có chi phí rẻ hơn. Trong khi đó, bạc đắt hơn so với đồng, nhôm, đồng thời bạc dễ bị xỉn màu, nên bề mặt bên ngoài trở nên kém dẫn điện. Bạc thường không được sử dụng trừ khi nó được yêu cầu cho các thiết bị chuyên dụng như vệ tinh hoặc bảng mạch.