Sự hình thành gió có liên quan đến sự tương tác giữa Mặt trời và Trái đất. Khoảng cách trung bình giữa Mặt trời và Trái đất xấp xỉ 149,6 triệu kilômét. Vậy làm thế nào mà cơn gió thổi xao động lá cây có thể bị điều khiển bởi một thứ ở quá xa như vậy?
Ánh sáng Mặt trời mất khoảng 8 phút để đến Trái đất, nó sẽ sưởi ấm mọi thứ. Bạn có thể trải nghiệm điều này khi nằm ngoài bãi biển tắm nắng dưới bầu trời xanh trong, hoặc đi giữa trưa hè oi bức dưới nắng nóng đến bỏng da.
Nguyên lý di chuyển chung của các tầng khí là: Khí nóng, nhẹ sẽ bốc lên cao; khí lạnh, nặng sẽ chìm xuống dưới.
Khi bề mặt Trái đất nóng lên, không khí đủ ấm, sẽ bay lên cao. Khi một khoảng không khí ấm bay lên thì không khí gần đó mát hơn sẽ tràn vào để lấp đầy không gian trống bỏ lại. Luồng không khí chuyển động, tràn vào chính là cái mà chúng ta gọi là gió.
Bạn sẽ thắc mắc, ban ngày có ánh nắng Mặt trời, có sức nóng sưởi ấm Trái đất thì mới có gió. Còn ban đêm không có ánh nắng Mặt trời thì sao lại có gió. Thậm chí, vào những ngày hè nóng nực, oi ả, bạn còn mong cho đêm mau xuống để đón những làn gió mát.
Thông thường, gió ở trên cao bao giờ cũng có tốc độ lớn hơn gió dưới mặt đất. Ban ngày, khi có sự trao đổi không khí theo chiều thẳng đứng, không khí trên cao di chuyển xuống phía dưới sẽ thúc đẩy gió dưới mặt đất thổi nhanh hơn. Vì thế, tốc độ gió mặt đất vào ban ngày tương đối lớn.
Ngược lại, vào ban đêm, nhiệt độ mặt đất giảm đi, sự trao đổi không khí giữa tầng trên và tầng dưới bị yếu dần. Không khí tầng dưới mất đi sự thúc đẩy của dòng khí có tốc độ lớn ở tầng trên, vì thế gió ở tầng dưới cũng yếu đi, có nghĩa là gió ban đêm sẽ nhẹ đi. Bạn nghĩ rằng buổi tối, thấy gió mạnh hơn. Thực ra, đó chỉ là cảm giác mà thôi. Vì ban đêm tĩnh lặng hơn ban ngày, thậm chí bạn có thể nghe thấy tiếng gió xào xạc lá cây nhưng ban ngày thì không nghe rõ.
Năng lượng gió là nguồn năng lượng xanh và sạch
Cơn gió thường được gọi theo sức mạnh của nó. Sự tăng tốc đột ngột của gió được gọi là cơn gió mạnh. Sự tăng tốc kéo dài (khoảng một phút) của cơn gió mạnh được gọi là gió giật.
Gió mạnh cũng có thể được gây ra bởi khối không khí chìm. Điều này thường xuyên xảy ra khi có giông bão. Khi không khí bên dưới một đám mây giông trở nên rất lạnh, nó sẽ chìm xuống mặt đất lao đi với tốc độ nhanh. Đây là lý do tại sao một ngày hè ấm áp có thể đột ngột dịu đi nếu một cơn bão ở gần đó.
Khi thổi, gió xoay và xoáy theo các hướng khác nhau do một lực vô hình gọi là lực Coriolis. Nếu các điều kiện phù hợp, lực Coriolis cuốn gió thành một vòng xoáy khổng lồ, hay những cơn bão.
Ở vùng nhiệt đới, nước biển ấm là nguồn cung cấp năng lượng, tăng cường sức gió của một cơn bão đang phát triển. Nếu tốc độ gió đạt tới khoảng 120 km/h sẽ là một cơn bão lớn, có thể gây ra sự tàn phá rất lớn.
Căn cứ vào tốc độ gió, các chuyên gia, nhà khoa học còn xây dựng thang đo sức gió.
Vậy là bạn đã hiểu, gió hình thành như thế nào và tại sao gió là nguồn năng lượng tái tạo vô hạn. Bởi sự sống xung quanh ta không thể thiếu sự tồn tại của Mặt trời và Trái đất. Con người đã sớm tận dụng sức gió để chuyển hóa thành nguồn năng lượng xanh, sạch thông qua các trang trại điện gió.