Tuy tiện lợi nhưng thỉnh thoảng mọi người lại nghe các sự cố xảy ra vì sạc dự phòng cháy, nổ. Vậy nên sử dụng sạc dự phòng như thế nào để phòng tránh các rủi ro không mong muốn?

1. Nguyên nhân sạc dự phòng cháy, nổ

Theo sự phát triển của công nghệ, các loại sạc dự phòng được thiết kế mỏng nhẹ, tiện lợi nhưng vẫn giữ được dung lượng cao và khả năng tản nhiệt tốt. Tuy nhiên, sạc dự phòng thế hệ cũ hay mới cũng đều hoạt động theo nguyên tắc nạp pin và xả pin, quá trình này phát sinh nhiệt. Theo phân tích từ các chuyên gia về thiết bị điện, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cháy, nổ sạc dự phòng, có thể kể đến như:

1.1. Sạc dự phòng kém chất lượng, không chính hãng. Các loại sạc không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng thường không tuân thủ đúng tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là nguy cơ gây cháy, nổ trong quá trình sử dụng.

1.2. Cắm điện cho sạc dự phòng liên tục trong thời gian dài. Đây có lẽ là nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy, nổ sạc dự phòng nhiều nhất. Một việc mà rất nhiều người mắc phải đó là cắm sạc liên tục trong thời gian dài vì nghĩ rằng càng sạc lâu thì pin càng đầy. Điều này là sai hoàn toàn. Nếu mạch điều khiển kém chất lượng, sạc dự phòng có thể không tự ngắt mạch khi quá tải. Việc sạc quá lâu chỉ khiến sạc dự phòng nóng lên, dẫn đến chập cháy.

1.3. Dòng điện vào không ổn định. Khi dòng điện quá cao hoặc quá thấp so với thông số kỹ thuật của sạc dự phòng có thể gây ra mất ổn định cho lõi pin bên trong. Điều này làm cho sạc bị nóng lên đột ngột, có thể phát cháy.

1.4. Vừa sạc pin cho điện thoại, vừa sử dụng điện thoại. Nhiều người có thói quen dùng sạc dự phòng để sạc pin cho điện thoại, đồng thời vẫn tiếp tục chơi game trên điện thoại. Điều này sẽ làm cho nhiệt độ của cả hai thiết bị tăng cao, làm quá tải sạc dự phòng và có thể gây nổ.

1.5. Vừa sạc, vừa xả. Thao tác vừa sạc (cắm điện nạp năng lượng cho sạc dự phòng), vừa xả (sử dụng chính sạc dự phòng đó để nạp năng lượng cho thiết bị khác) buộc sạc dự phòng phải làm việc liên tục. Điều này khiến sạc dự phòng tăng nhiệt quá mức, dễ xảy ra tình trạng đoản mạch và cháy, nổ.

1.6. Nhiệt độ môi trường không phù hợp. Các thiết bị điện tử thường hoạt động tốt ở nhiệt độ từ 16 - 22 độ C. Nếu sử dụng các thiết bị này ở nhiệt độ cao hơn 35 độ C hoặc ở nơi kín như cốp xe, sẽ làm cho sạc dự phòng nóng quá mức và có nguy cơ cháy nổ.

2. Phòng tránh nguy cơ cháy, nổ sạc dự phòng

2.1. Sử dụng sạc dự phòng chính hãng, chất lượng. Đầu tiên là bạn hãy chọn mua sạc dự phòng chính hãng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và chất lượng. Các thiết bị này đạt tiêu chuẩn và chứng nhận an toàn được cấp bởi các tổ chức công nghệ hàng đầu. Về thương hiệu, có thể lựa chọn một trong những thương hiệu phổ biến trên thị trường như: Anker, Aukey, Samsung, Xiaomi, Energizer, Adata, Romoss… Về chứng nhận, lưu ý các chứng nhận như: CE, RoHS, FCC là những căn cứ tin cậy khi lựa chọn mua sạc dự phòng.

2.2. Không cắm điện cho sạc dự phòng quá lâu. Quá trình nạp năng lượng cho sạc dự phòng luôn phát sinh nhiệt, nếu để thời gian dài sẽ khiến nhiệt độ tăng cao. Bạn nên chú ý không cắm sạc dự phòng vào nguồn điện trong thời gian dài. Trên thị trường, một số sạc dự phòng có màn hình điện tử báo hiệu mức pin để người dùng chủ động sạc và ngắt điện tránh quá nhiệt.

2.3. Chú ý dòng điện nạp vào. Khi bạn cắm sạc dự phòng vào ổ điện để sạc, cần chú ý điện áp và dòng điện phù hợp với thông số kỹ thuật ghi trên sạc, để tránh tình trạng mất ổn định của lõi pin bên trong.

2.4. Không vừa sạc, vừa dùng điện thoại. Thói quen vừa sạc pin điện thoại bằng sạc dự phòng, vừa tiếp tục sử dụng điện thoại khá phổ biến. Lúc này, cả hai thiết bị đều cùng nóng lên, dễ dẫn đến hiện tượng quá nhiệt. Bạn nên bỏ thói quen không tốt này.

2.5. Không vừa sạc, vừa xả sạc dự phòng. Một nguyên tắc an toàn khi sử dụng sạc dự phòng là bạn không được vừa sạc, vừa xả. Nghĩa là trong lúc đang nạp năng lượng cho sạc dự phòng, bạn không được sử dụng chính sạc dự phòng đó để nạp năng lượng cho thiết bị khác.

2.6. Không để sạc dự phòng trong cốp xe. Cốp xe máy là một khu vực kín, khó thoát nhiệt. Khi xe hoạt động, động cơ của xe tỏa ra sức nóng, kết hợp với môi trường kín trong cốp xe sẽ làm nóng đồ đạc đặt trong cốp xe, trong đó có sạc dự phòng. Thậm chí, có người sạc điện thoại bằng sạc dự phòng và đặt tất cả chúng vào trong cốp xe trong khi di chuyển để tranh thủ, tiết kiệm thời gian sạc. Điều này không hề tiện lợi như chúng ta nghĩ. Do đó, bạn hãy từ bỏ ngay cách làm này.