Hiệu suất của tấm pin mặt trời có thể giảm hoặc thậm chí tấm pin hư hỏng nếu không xử lý các vấn đề phát sinh. Sau đây là những vấn đề chính thường gặp với tấm pin mặt trời trên mái nhà.

1. Ăn mòn bên trong. Lý do chính gây hiện tượng ăn mòn bên trong là hơi ẩm thấm vào cấu trúc bên trong tấm pin mặt trời. Điều này thuộc về khâu sản xuất, bạn khó biết được. Nếu nhà sản xuất thiếu kiểm tra chặt chẽ các tiêu chuẩn chất lượng để ngăn hiện tượng ăn mòn bên trong, bạn có thể gặp vấn đề này với các tấm pin mặt trời trên mái nhà.

2. Thiếu ánh sáng mặt trời. Ánh sáng mặt trời là yếu tố bắt buộc để các tấm pin mặt trời hoạt động. Dù các tấm pin thế hệ mới có thể tạo ra điện ngay cả trong những ngày nhiều mây nhưng sản lượng sẽ thấp hơn so với những ngày nắng. Công suất lắp đặt được tính toán dựa trên những ngày nắng của hầu hết ngày trong năm. Nếu không đạt như vậy thì hệ thống năng lượng mặt trời hoạt động không theo kỳ vọng.

3. Nứt, vỡ tấm pin mặt trời. Nứt hay vỡ tấm pin mặt trời có thể do thời tiết khắc nghiệt hoặc lực mạnh gây ra. Thông thường, nhà sản xuất sử dụng kính cường lực chất lượng cao để kính không bị vỡ dưới áp lực. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí và tiêu chuẩn sản xuất kém có thể dẫn đến tấm kính không đạt tiêu chuẩn, bị vỡ hay nứt. Gặp vấn đề này, thay thế hệ thống tấm pin mặt trời là giải pháp duy nhất.

4. Tuổi thọ của Inverter. Inverter (biến tần) là bộ phận dùng để chuyển đổi dòng điện một chiều do tấm pin mặt trời tạo ra thành dòng điện xoay chiều cung cấp cho hầu hết thiết bị gia dụng. Tấm pin mặt trời tốt có thể vận hành 20 - 25 năm nhưng tuổi thọ một Inverter là khoảng 5 - 10 năm, đôi khi thậm chí chỉ 2 - 3 năm. Ngay cả khi bạn chọn loại Inverter tốt nhất, cũng chỉ có thể hoạt động khoảng 15 năm. Để tránh phải thay thế Inverter nhiều lần, bạn nên chọn Inverter có thương hiệu và chất lượng tốt hơn.

5. Lỗi thiết bị. Bất kỳ thiết bị nào đều có thể phát sinh các lỗi bên trong ở các giai đoạn khác nhau: thời điểm sản xuất, quá trình vận chuyển hoặc khi lắp đặt. Bạn nên chú ý kiểm tra tấm pin mặt trời trước và sau khi lắp đặt để sớm phát hiện lỗi ở tấm pin nếu có. Trong trường hợp có lỗi, bạn nên yêu cầu thay thế. Việc này cần thực hiện ngay, không nên chậm trễ.

6. Bụi bẩn tích tụ. Bất kỳ thứ gì như bụi bặm, lá cây, phân chim, nước bẩn… ngăn cản ánh sáng mặt trời chiếu vào tấm pin đều ảnh hưởng đến hiệu quả của chúng. Bạn phải vệ sinh bề mặt tấm pin mặt trời định kỳ để xử lý vấn đề này. Trường hợp bạn không thể tự làm hoặc không có thiết bị chuyên dụng, bạn cần thuê dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp để họ thực hiện.

7. Nhiệt độ quá cao. Tấm pin mặt trời sử dụng ánh sáng mặt trời để sản xuất điện. Ánh sáng mặt trời cũng tạo ra năng lượng nhiệt. Nhiệt độ này quá cao sẽ làm nóng tấm pin mặt trời, ảnh hưởng đến các thành phần bên trong tấm pin. Điều này làm giảm hiệu suất của tấm pin. Do đó, nắng nóng khắc nghiệt quá cũng không tốt.

8. Hướng của mái nhà. Để có hiệu suất tốt nhất, mái nhà nên hướng về phía nam ở góc 30 độ nhưng điều này không quan trọng lắm, miễn là tấm pin mặt trời không bị bóng râm trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Điều quan trọng là các tấm pin cách xa bụi rậm, cây cối để tránh tấm pin bị bóng râm che khuất, còn cành cây, lá cây có thể làm xước bề mặt tấm pin.

9. Nơi trú ẩn của động vật. Đối với nhiều động vật như loài gặm nhấm, chim và các loài vật nhỏ khác, nấp dưới các tấm pin mặt trời là nơi trú ẩn lý tưởng vì bảo vệ chúng khỏi ảnh hưởng thời tiết cũng như động vật ăn thịt. Nhưng điều này không có lợi cho tấm pin mặt trời. Việc làm tổ có thể dẫn đến hư hỏng cấu trúc, thậm chí nguy cơ hỏa hoạn và sự tích tụ chất thải của các loài vật này có thể làm giảm hiệu suất của tấm pin.

10. Hiệu suất suy giảm theo thời gian. Tấm pin mặt trời chịu nhiều điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, gió mạnh, bão, tuyết rơi dày, mưa đá, nhiệt độ cao…, do đó chúng bị hao mòn đáng kể. Các yếu tố này khiến tinh thể silicon bị chai lại, các thành phần trong tấm pin giãn nở và co lại, làm giảm dần hiệu suất của tấm pin. Bạn có thể chọn tấm pin hiệu suất cao hơn, đồng nghĩa với giá tiền cao hơn. Nhưng thực tế cho thấy, không có gì bền bỉ mãi với thời gian.