Chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất, các đại dương có khả năng hấp thụ nhiệt rất cao. Đại dương hấp thụ 90% lượng nhiệt nóng lên xảy ra trong những thập kỷ gần đây do khí nhà kính ngày càng tăng. 10 năm qua là thập kỷ ấm nhất của đại dương kể từ ít nhất những năm 1800. Năm 2024 là năm ấm nhất được ghi nhận của đại dương.
Các biểu hiện của sự nóng lên ở đại dương bao gồm:
● Mực nước biển dâng cao. Đây là hệ quả của nhiệt lượng cao trong đại dương, dẫn đến sự giản nỡ nhiệt của nước biển. Nước biển dâng cao làm cho các vùng ven biển, vùng đất thấp, các đảo bị ngập lụt; các nguồn cung cấp nước ngọt bị xâm nhập mặn; nhiều loài động vật, thực vật bị mất môi trường sống…
● San hô bị tẩy trắng. Nguyên nhân lớn nhất làm san hô bị tẩy trắng là nhiệt độ nước biển tăng, phá vỡ mối quan hệ cộng sinh giữa tảo và san hô. Khi tảo mất đi, san hô mất chất dinh dưỡng và màu sắc, gọi là bị tẩy trắng. San hô bị tẩy trắng vẫn tiếp tục sống nhưng sẽ chết dần vì thiếu thức ăn.
● Các tảng băng lớn tan nhanh hơn. Nhiệt độ đại dương ấm lên góp phần khiến các tảng băng lớn ở Bắc cực và Nam cực tan chảy nhanh hơn. Điều này vừa làm mất môi trường sống của các sinh vật ở hai vùng cực, vừa góp phần làm nước biển dâng cao.
● Bão mạnh hơn. Các cơn bão nhiệt đới hình thành và di chuyển cần “nhiên liệu” là không khí ấm, ẩm bốc lên từ bề mặt đại dương, thường từ ít nhất 26 độ C. Nhiệt độ bề mặt đại dương càng ấm lên, có nghĩa là bão nhiệt đới càng mạnh hơn.
● Ảnh hưởng các kiểu thời tiết. Đại dương nóng lên cũng ảnh hưởng đến các kiểu thời tiết, bằng cách đẩy nhanh quá trình bốc hơi nước trên đại dương. Điều này làm tăng độ ẩm trong khí quyển, dẫn đến lượng mưa lớn hơn. Tuy nhiên, tốc độ bốc hơi nước và lượng mưa lớn hơn không phân bố đều trên toàn thế giới, có nghĩa là một số khu vực thì ẩm ướt hơn, nhưng những khu vực khác lại khô hạn hơn.