Mây không chỉ là các hình dạng mềm mại trên bầu trời, chúng còn cho chúng ta biết những gì đang diễn ra trong bầu khí quyển. Quan sát các đám mây, chúng ta có thể dự đoán mưa hay nắng, nhiệt độ thay đổi, thậm chí là bão hay sét trước khi chúng diễn ra.

Mây tầng cao

Mây tầng cao gồm các loại mây ti (Cirrus), mây ti tích (Cirrocumulus), mây ti tầng (Cirrostratus). Chúng thường mỏng và có màu trắng, nhưng có thể xuất hiện với nhiều màu sắc tuyệt đẹp khi Mặt trời ở thấp trên đường chân trời.

1. Mây ti (Cirrus). Mây ti là đám mây trắng mỏng manh, chủ yếu dạng mảng hoặc dải hẹp ở tầng cao, hình thành từ các tinh thể băng. Chúng thường báo hiệu thời tiết sắp thay đổi. Khi đám mây này đi qua đĩa Mặt trời, chúng hầu như không làm giảm độ sáng của Mặt trời. Các đám mây mỏng manh này có thể nhìn thấy gần Mặt trời hoặc Mặt trăng, đôi khi tạo ra hiệu ứng hào quang.

2. Mây ti tích (Cirrocumulus). Mây ti tích hình thành ở độ cao lớn, gồm các mảng mây trắng nhỏ, trông như loang lổ. Đám mây này có hình gợn sóng, thường trải dài trên phần lớn bầu trời. Không giống như các đám mây tầng cao khác, mây ti tích chỉ ra thời tiết đẹp với luồng không khí lạnh di chuyển vào, trừ khi bạn ở vùng nhiệt đới, khi đó chúng có thể báo hiệu tình trạng bão!

3. Mây ti tầng (Cirrostratus). Mây ti tầng là đám mây rất mỏng, trong suốt, ở tầng cao, hình thành từ các tinh thể băng. Đám mây ti tầng rất rộng, có thể che phủ khắp bầu trời. Chúng thường đi trước sự thay đổi thời tiết, có thể tạo ra quầng sáng xung quanh Mặt trời. Sự xuất hiện của chúng báo hiệu độ ẩm trong khí quyển đang tăng lên.

Mây tầng giữa

Mây tầng giữa gồm các loại mây trung tích (Altocumulus), mây trung tầng (Altostratus), mây vũ tầng (Nimbostratus), chủ yếu hình thành từ hơi nước, tuy nhiên, cũng có thể từ các tinh thể băng khi nhiệt độ đủ thấp.

4. Mây trung tích (Altocumulus). Mây trung tích dạng mảng hoặc dạng lớp màu trắng và xám, thường gồm các khối tròn hay cuộn. Là loại mây tầng giữa phổ biến nhất, mây trung tích thường xuất hiện ở các độ cao khác nhau cùng một lúc và có thể xuất hiện cùng có các loại mây khác. Khi nhìn vào buổi sáng, đám mây nhiều lớp này có thể báo hiệu thời tiết đẹp trong ngày.

5. Mây trung tầng (Altostratus). Mây trung tầng màu xám hoặc hơi xanh lam, xuất hiện dưới dạng đám sọc hoặc dạng sợi che phủ toàn bộ hoặc một phần bầu trời. Không giống các đám mây khác, chúng che khuất một phần Mặt trời hoặc Mặt trăng nhưng đủ mỏng để cho phép ánh sáng lọt qua như nhìn qua lớp kính mờ. Chúng thường đi trước, báo hiệu mưa hoặc tuyết sắp đến.

6. Mây vũ tầng (Nimbostratus). Mây vũ tầng có màu xám xịt, lan rộng như tấm chăn dày, nhiều lớp, là kết quả từ sự dày lên của mây trung tầng. Nó đủ dày để che khuất, bao phủ toàn bộ bầu trời, mang theo mưa hoặc tuyết liên tục. Do nền mây hạ thấp nên nó thường bị gọi nhầm là mây tầng thấp. Cả mây trung tầng và mây vũ tầng đều có thể mở rộng đến mây tầng cao.

Mây tầng thấp

Mây tầng thấp gồm các loại mây tích (Cumulus), mây tầng tích (stratocumulus), mây tầng (stratus), mây vũ tích (cumulonimbus), được tạo thành từ hơi nước.

7. Mây tích (Cumulus). Mây tích là đám mây trắng bồng bềnh đặc trưng của bầu trời, thường gắn liền với thời tiết đẹp. Mây tích phát triển vào những ngày trời quang mây. Nó xuất hiện vào buổi sáng, phát triển, sau đó ít nhiều tan biến vào buổi tối. Chúng có vẻ ngoài trắng sáng với đỉnh tròn và đáy đồng đều, như dạng gò đất, mái vòm, đôi khi phát triển thành các đám mây dày đặc hơn.

8. Mây vũ tích (Cumulonimbus). Mây vũ tích là đám mây dày đặc, cao ngất, có hình dạng như ngọn núi hoặc tòa tháp. Các đám mây khổng lồ này trải dài qua nhiều tầng khí quyển, đôi khi đạt đến độ cao mà máy bay phản lực có thể bay. Bên dưới đáy đám mây này thường rất tối, vẻ ngoài đáng ngại của chúng, báo hiệu thời tiết khắc nghiệt ở phía trước và lượng mưa sẽ kéo dài. Chúng gây ra thời tiết cực đoan như giông bão, mưa lớn, thậm chí là lốc xoáy.

9. Mây tầng tích (Stratocumulus). Mây tầng tích là đám mây xám hoặc trắng loang lổ, dạng tấm hoặc dạng lớp, hầu như luôn có các mảng tối màu, khối tròn hoặc cuộn. Mây tầng tích là đám mây tầng thấp, thường bao phủ toàn bộ bầu trời. Chúng thường mang đến vẻ ngoài u ám nhưng không tạo ra mưa lớn. Đám mây này có thể phát triển từ mây tích khi chúng lan rộng ra.

10. Mây tầng (Stratus). Mây tầng bao phủ bầu trời trong một lớp trong mờ màu xám, nếu đủ dày, có thể tạo ra mưa phùn hay mưa nhẹ. Đám mây thấp này hình thành khi không khí ẩm bốc lên dần và lan ra thành cấu trúc giống dạng tấm. Thông thường, khi lớp mây tầng vỡ ra và tan biến, chúng ta sẽ nhìn thấy bầu trời xanh. Khi mây tầng chạm tới bề mặt Trái đất, chúng tạo ra sương mù.