Bắt đầu diễn ra từ đầu năm 2023 cho đến tháng 4/2025, hiện tượng san hô bị tẩy trắng trên toàn cầu đã phát triển dữ dội, mạnh nhất từng được ghi nhận, ảnh hưởng đến các rạn san hô trên khắp Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi san hô thải loại tảo, loài không chỉ cung cấp màu sắc đặc trưng cho san hô mà còn cung cấp thức ăn và dinh dưỡng, khiến san hô dễ mắc bệnh, chuyển sang màu trắng ma quái và cuối cùng có thể chết. Ở một số khu vực, điều kiện khắc nghiệt có thể dẫn đến chết gần như hoàn toàn một rạn san hô.

San hô bị tẩy trắng là do nhiệt độ đại dương ấm lên mức cao kỷ lục trong hai năm qua. Các rạn san hô có thể phục hồi sau tổn thương nhưng các nhà khoa học cho rằng thời gian phục hồi đang ngày càng dài ra vì nhiệt độ đại dương vẫn ở mức cao trong thời gian dài.

Các nhà khoa học dự báo, nếu nhiệt độ tăng thêm 1,5 độ C, khoảng 70 - 90% các rạn san hô trên thế giới có thể biến mất, một viễn cảnh thảm khốc đối với con người và hành tinh. Một nghiên cứu cho biết, diện tích san hô sống đã giảm một nửa kể từ những năm 1950 do biến đổi khí hậu và thiệt hại về môi trường.

Các rạn san hô không chỉ hỗ trợ sinh vật biển mà còn hỗ trợ hàng trăm triệu người sống ở các cộng đồng ven biển trên khắp thế giới, bằng cách cung cấp thức ăn, giúp tránh các đợt sóng lớn và sinh kế thông qua nguồn lợi thủy sản và du lịch.

Hiện tượng san hô bị tẩy trắng hàng loạt lần đầu tiên được quan sát thấy vào đầu những năm 1980 và là một trong những hậu quả rõ ràng, dễ thấy nhất của tình trạng nhiệt độ đại dương tăng liên tục do sự nóng lên toàn cầu.

Sự kiện san hô bị tẩy trắng mới đây là lần thứ tư và lớn nhất từ ​​trước đến nay. Đây cũng là lần thứ hai san hô bị tẩy trắng trong một thập kỷ, vượt quá diện tích kỷ lục bị ảnh hưởng trong đợt gần đây nhất là năm 2014 - 2017.

Các đại dương lưu trữ 90% lượng nhiệt dư thừa do con người đốt nhiên liệu hóa thạch, thải ra khí nhà kính làm nóng hành tinh, khiến nhiệt độ nước biển ấm hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Mối liên hệ giữa lượng khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch và tỉ lệ chết của san hô là thực sự.

Theo cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của EU, Trái đất đã ấm lên ít nhất 1,36 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học dự đoán ngưỡng tăng lên 1,5 độ C có thể bị vượt qua vào đầu thập kỷ tới. Ở mức tăng 2 độ C, hầu hết san hô sẽ biến mất.