1. Giờ Trái đất bắt đầu lần đầu tiên vào năm 2007, được tổ chức tại thành phố Sydney của Úc. Giờ Trái đất được lấy cảm hứng từ một cuộc biểu thị lớn ở Sydney, vào ngày 31/3/2007, khi hơn 2,2 triệu cư dân Sydney và hơn 2.100 doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ để đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về yếu tố đóng góp hàng đầu đến sự nóng lên toàn cầu: Nhiệt điện than!

Chỉ một giờ đó đã làm giảm 10,2% mức tiêu thụ năng lượng trên toàn thành phố. Các biểu tượng nổi tiếng như Nhà hát Opera Sydney chìm trong bóng tối, đám cưới được tổ chức dưới ánh nến khiến thế giới chú ý.

2. Giờ Trái đất do Quỹ Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (World Wide Fund For Nature - WWF), còn được biết đến với tên gọi Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng tổ chức. Đây là một sự kiện lớn diễn ra hằng năm, thường vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3.

3. Ai sáng kiến ra Giờ Trái đất? Andy Ridley - nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành của chương trình Giờ trái đất. Sinh ra tại Anh nhưng đến năm 2002, Andy Ridley chuyển đến sinh sống và làm việc ở Úc. Sau khi trở thành Giám đốc Truyền thông của WWF Australia, Andy mong muốn thực hiện một chiến dịch nhằm thu hút mọi người cùng nhau chống lại sự biến đổi khí hậu thông qua những hành động đơn giản nhất. Ông cùng với các đồng nghiệp suy nghĩ, tìm tòi và cùng nhau trở thành nhà đồng sáng lập của chương trình kêu gọi “tắt đèn” trong một giờ đồng hồ với tên gọi là “Giờ trái đất”.

4. Mục đích của sự kiện Giờ Trái đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, từ đó làm giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), một trong những nguyên nhân gây ra hiệu ứng khí nhà kính, tác động đến biến đổi khí hậu. Đồng thời, nhằm đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường. Việc này cũng giúp làm giảm ô nhiễm ánh sáng.

5. Vào Giờ Trái đất, các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, văn phòng,… tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút (từ 20h30 đến 21h30 giờ địa phương).

6. Việt Nam tham gia Giờ Trái Đất lần đầu tiên vào năm 2009, với sự hưởng ứng của các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang. Sau đó, Giờ Trái đất hằng năm được các tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia, đồng hành nhiều hơn.

7. Tại sao Giờ Trái đất diễn ra vào cuối tháng 3? Vào khoảng cuối tháng 3, ở Bắc và Nam bán cầu, ngày và đêm có độ dài bằng nhau, được gọi là điểm phân (Equinox). Có nghĩa là vào thời điểm này trong năm, hoàng hôn ở cả hai bán cầu gần như ở cùng thời điểm. Lúc đó, vào buổi tối ở mỗi quốc gia sẽ là thời điểm tắt đèn của Giờ Trái đất.

8. “60 +” có nghĩa là gì? Logo của Giờ Trái đất là “60 +”. Con số 60 để chỉ cho 60 phút của Giờ Trái đất và dấu cộng mời mọi người tiếp tục hành động ngay cả sau khi Giờ Trái đất kết thúc.

Trên thực tế, những người tham gia Giờ Trái đất đều nói rằng, việc tham gia khiến họ muốn làm nhiều hơn điều gì đó cho môi trường. Nhà hoạt động khí hậu Greta Thunberg nói rằng “Giờ Trái đất là mỗi giờ mỗi ngày”.

9. Trang web chính thức của Giờ Trái đất là: https://www.earthhour.org/