Với việc lưới điện ngày càng phụ thuộc vào các nguồn năng lượng tái tạo, nhu cầu lưu trữ năng lượng tăng lên trong những năm gần đây, trong đó có thủy điện tích năng (pumped storage hydropower - PSH). PSH có chức năng chính là lưu trữ năng lượng.

PSH hoạt động bằng cách dùng điện dư thừa ở giờ thấp điểm, bơm nước lên hồ phía trên. Khi cần điện ở giờ cao điểm, nước chảy xuống hồ phía dưới, đi qua turbine để sản xuất điện. Điều cần nhớ là PSH cần nhiều điện hơn để bơm nước lên hồ phía trên, so với lượng điện chúng tạo ra khi nước chảy xuống hồ phía dưới, có nghĩa là PSH tiêu thụ nhiều điện hơn mức sản xuất.

Thời gian trước đây, PSH phát triển khá chậm ở Vương quốc Anh với chỉ bốn dự án. Riêng ở Scotland chỉ có hai PSH đang hoạt động: nhà máy Crunachan (400 MW) và nhà máy Foyers (300 MW). Trong hai nhà máy này, PSH Foyers đi vào hoạt động năm 1974, với Loch Ness đóng vai trò là hồ phía dưới trong sơ đồ thủy điện tích năng của Foyers.

Sau gần 40 năm không có dự án PSH mới nào được phát triển ở Anh, giờ đây, các nhà đầu tư đang đổ xô đi tìm địa điểm mới. Loch Ness, hay còn gọi hồ Ness, ở Scotland, lọt vào tầm ngắm. Loch Ness được xem là hồ lớn nhất ở Vương quốc Anh tính theo thể tích nước, do độ sâu của nó là lớn nhất, điểm sâu nhất của hồ là 230 m. Đầu ra của hồ là sông Ness.

Điểm du lịch nổi tiếng này đang có một số đề xuất xây dựng các nhà máy PSH mới, bên cạnh nhà máy hiện có. Chẳng hạn như: Dự án PSH của công ty Glen Earrach Energy, công suất 2 GW. Dự án PSH Loch na Cathrach (trước đây gọi là Red John) của công ty Statkraft, mua lại từ Intelligent Land Investments Group, công suất 450 MW. Dự án PSH Loch Kemp của công ty Statera, công suất 600 MW.  

Sở dĩ các nhà môi trường, nhà khoa học, bày tỏ quan tâm về các dự án PSH này, do họ lo ngại tác động cộng hưởng của nhiều dự án PSH đối với hệ sinh thái của Loch Ness, có thể ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và du lịch ở hồ Ness. Các vấn đề đó bao gồm:

● Việc khai thác và trả lại hằng ngày một lượng lớn nước tại nhiều địa điểm ở hồ Loch Ness, gần như sẽ ảnh hưởng đến quá trình di cư của cá hồi hoang dã. Cá hồi cố gắng tìm đường ra khỏi Loch Ness, di cư ra biển, sẽ bị thu hút vào các cửa hút PSH trong quá trình hoạt động. Chúng không bị hút vào, bởi các tấm lưới sẽ chặn lại, nhưng ở gần các cửa hút, cá hồi bơi chậm lại, có khả năng bị săn mồi nhiều hơn.

● Trong chu kỳ rút nước hằng ngày, tác động cộng hưởng của hàng loạt PSH sẽ làm giảm đáng kể mực nước của hồ Loch Ness. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy của sông Ness. Bên cạnh đó là khó khăn cho các hoạt động khác phụ thuộc vào mực nước hồ Loch Ness, như tàu du lịch thương mại, tàu cứu hộ. Điều chắc chắn là nếu một loạt PSH được xây dựng, mực nước hồ Loch Ness sẽ ở mức tối thiểu thường xuyên hơn.

● Loch Ness là một trong những địa điểm du lịch hàng đầu ở Scotland, cần được giữ gìn và bảo tồn đặc biệt. Việc xây dựng các công trình năng lượng khổng lồ, kéo theo hàng loạt vấn đề như khói bụi, khí thải, tiếng ồn… sẽ tác động lớn đến một bờ biển nguyên sơ.

● Các nhà máy PSH ở Loch Ness có khả năng làm tăng nhiệt độ của chính hồ Ness và các hồ chứa nước phía trên. Điều này xảy ra trong quá trình hoạt động khi nước được bơm lên và xả xuống để sản xuất điện. Chưa kể tác động của bức xạ mặt trời ở các hồ chứa khi được lấp đầy nước vào những ngày nắng, nhất là vào các tháng mùa hè.

Các vấn đề trên cho thấy Loch Ness là nơi khá nhạy cảm đối với việc đầu tư xây dựng PSH. Môi trường tự nhiên và thương hiệu du lịch của Loch Ness đứng trước thử thách khi các nhà đầu tư tìm kiếm địa điểm cho thủy điện tích năng.