Vì sao Trái đất đang nóng lên?
Trái đất đã hơn 4,5 tỉ năm tuổi. Từ dữ liệu các nhà khoa học trên thế giới đã thu thập được, Trái đất đã trải qua các giai đoạn nóng lên và nguội đi trong quá khứ và đó đều là những diễn biến tự nhiên. Còn hiện tại, sự nóng lên toàn cầu chủ yếu tạo ra bởi con người.
Giai đoạn nóng lên toàn cầu hiện nay bắt đầu vào giữa thế kỷ 19 với sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp và sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của con người.
Cuộc cách mạng công nghiệp, mặc dù đã giúp ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của con người theo nhiều cách, nhưng để đạt được những tiến bộ này lại phụ thuộc vào việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Khi nhiên liệu hóa thạch bị đốt cháy, nó giải phóng một lượng lớn khí nhà kính như cacbonic (carbon dioxide) và một lượng nhỏ khí mê tan (methan), oxit nitơ (nitrous oxide).
Khí nhà kính có xu hướng hấp thụ bức xạ mặt trời và giữ nhiệt trong bầu khí quyển của Trái đất. Sự giữ nhiệt này trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ bề mặt cao hơn. Điều này gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Bên cạnh nguyên do đốt nhiên liệu hóa thạch, gây phát thải khí nhà kính, còn có các yếu tố khác chẳng hạn như phá rừng. Khi ngày càng có nhiều bức xạ nhiệt được giữ lại trong bầu khí quyển của Trái đất, nhiệt độ trung bình sẽ tăng lên, dẫn đến sự nóng lên toàn cầu.
Biến đổi khí hậu là gì?
Sự nóng lên toàn cầu là sự gia tăng nhiệt độ trung bình của Trái đất. Trong khi biến đổi khí hậu phản ánh sự thay đổi dài hạn về nhiệt độ và các hiện tượng thời tiết.
Thường thì các thuật ngữ sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu được sử dụng thay thế cho nhau nhưng chúng không giống nhau. Sự nóng lên toàn cầu chỉ là một trong những nguyên nhân góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Khi nhiệt độ trên Trái đất tăng lên, dù chỉ vài độ, lượng nước nhiều hơn từ các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ bốc hơi, dẫn đến nhiều mưa hơn. Điều này cũng có nghĩa, các khu vực ẩm ướt ngày càng ẩm ướt hơn và các khu vực khô hạn ngày càng khô hạn hơn.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng ngày càng rõ rệt, kéo theo gió mạnh và dữ dội hơn. Lũ lụt, hạn hán, bão và lốc xoáy trở nên thường xuyên hơn bao giờ hết. Khi các kiểu thời tiết thay đổi ngày càng cực đoan sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu.
Điểm đáng lo ngại về biến đổi khí hậu mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay là tốc độ diễn ra ngày càng nhanh chóng và mức độ nghiêm trọng ngày càng tồi tệ hơn.
Biến đổi khí hậu gây hậu quả gì?
Nhiệt độ nóng hơn. Nhiều khu vực trên thế giới đang chứng kiến các đợt nắng nóng cao điểm hơn và dài ngày hơn. Nhiệt độ quá nóng khiến cơ thể con người khó chịu khi làm việc và di chuyển, làm gia tăng các bệnh liên quan đến nhiệt. Nắng nóng cũng làm gia tăng số vụ cháy rừng.
Gia tăng hạn hán. Hạn hán xảy ra thường xuyên làm nhiều vùng trở nên khan hiếm nước. Nhiều người hiện phải đối mặt với nguy cơ không có đủ nước sử dụng. Các sa mạc ngày càng mở rộng, sẽ thu hẹp nguồn cung cấp nước, làm giảm diện tích đất trồng lương thực, giảm chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, khiến nguồn cung ứng lương thực toàn cầu trở nên bấp bênh.
Mực nước biển dâng. Đại dương hấp thụ phần lớn nhiệt do sự nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng khiến các tảng băng tan nhanh hơn, làm mực nước biển dâng cao, đe dọa các cộng đồng dân cư sống ven biển và hải đảo. Đại dương ấm hơn cũng ảnh hưởng đến đời sống của các sinh vật biển.
Bão và lũ lụt. Chỉ trong vòng 30 năm gần đây, những cơn bão mạnh cấp 4, cấp 5 đã tăng lên gấp đôi. Những vùng nước ấm đã làm tăng sức mạnh cho các cơn bão. Chính mức nhiệt cao trên đại dương và trong khí quyển, đẩy tốc độ cơn bão ngày càng mạnh hơn.
Nhiều loài sinh vật biến mất. Biến đổi khí hậu gây ra những nguy cơ đối với sự tồn tại của các loài sinh vật trên đất liền và đại dương. Cháy rừng, phá rừng, hiện tượng sa mạc hóa, thời tiết khắc nghiệt, đại dương ngày càng ấm hơn là một trong nhiều mối đe dọa khiến môi trường sống của các loài động, thực vật ngày càng bị thu hẹp. Một số loài có thể di cư và tiếp tục tồn tại, nhưng nhiều loài khác sẽ không thể tồn tại.
Không đủ lương thực. Biến đổi khí hậu và sự gia tăng các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt là một trong những nguyên nhân khiến nạn đói và tình trạng thiếu dinh dưỡng gia tăng trên toàn cầu. Hải sản, cây trồng và gia súc có thể giảm năng suất hoặc chất lượng kém hơn.
Nhiều rủi ro sức khỏe. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán làm gia tăng các loại bệnh tật, đe dọa chất lượng sống của con người. Những nguy cơ khác đối với sức khỏe là gia tăng nạn đói, tình trạng thiếu dinh dưỡng ở những nơi người dân không thể trồng trọt hoặc không có đủ lương thực.
Thiệt hại kinh tế và nghèo đói. Biến đổi khí hậu làm gia tăng các yếu tố khiến nhiều người rơi vào tình trạng đói nghèo. Lũ lụt có thể cuốn trôi, phá hủy nhà cửa và sinh kế của con người. Người dân phải đối phó với giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Các thảm họa liên quan đến thời tiết gây tổn thất nặng nề hàng tỉ USD cho ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở các quốc gia hứng chịu biến đổi khí hậu.