Nam châm vĩnh cửu là gì?

Nam châm vĩnh cửu là loại nam châm phổ biến nhất, được làm từ vật liệu có từ tính mạnh như sắt, nickel và cobalt. Nam châm vĩnh cửu có khả năng giữ nguyên từ tính của nó và tạo ra từ trường liên tục mà không cần nguồn năng lượng bên ngoài.

Nam châm điện là gì?

Nam châm điện là loại nam châm tạo ra từ trường bằng dòng điện. Nam châm điện bao gồm một cuộn dây quấn quanh lõi làm bằng vật liệu sắt từ. Khi dòng điện chạy qua dây, nó sẽ tạo ra từ trường xung quanh cuộn dây, có thể hút hoặc đẩy các nam châm hoặc vật liệu từ khác. Độ mạnh của từ trường phụ thuộc vào lượng dòng điện chạy qua dây và số vòng trong cuộn dây.

Điểm khác biệt giữa nam châm vĩnh cửu và nam châm điện

Nam châm vĩnh cửu là nam châm tự nhiên tạo ra từ trường xung quanh nó. Nam châm điện là nam châm tạo ra từ trường do tác dụng của dòng điện. Sự khác biệt chính giữa nam châm vĩnh cửu và nam châm điện như sau:

Nguồn từ tính:

+ Nam châm vĩnh cửu: Tính chất từ ​​vốn có của vật liệu kim loại từ.

+ Nam châm điện: Từ trường được tạo ra khi có dòng điện chạy qua cuộn dây.

Duy trì từ tính:

+ Nam châm vĩnh cửu: Từ tính tồn tại tự nhiên ngay trong bản thân vật liệu sắt từ nên từ trường tạo ra liên tục ở mọi thời điểm. Nam châm vĩnh cửu chỉ mất đi từ tính khi bị nung nóng đến nhiệt độ tối đa.

+ Nam châm điện: Từ tính của loại nam châm điện chỉ tồn tại khi có dòng điện chạy qua cuộn dây. Nếu không có dòng điện chạy qua thì từ tính của nam châm này sẽ biến mất, hay nói khác đi, nó sẽ mất khả năng tạo ra từ trường.

Sức mạnh từ tính:

+ Nam châm vĩnh cửu: Sức mạnh từ phụ thuộc vào chất liệu làm ra chúng. Từ tính thường cố định tùy thuộc vào vật liệu từ, không dễ dàng thay đổi được.

+ Nam châm điện: Sức mạnh từ thay đổi tùy thuộc vào dòng điện chạy qua cuộn dây. Từ tính có thể được điều khiển bằng cách điều chỉnh cường độ dòng điện, dòng điện càng mạnh, từ tính càng cao và ngược lại.

Ứng dụng:

+ Nam châm vĩnh cửu: Ứng dụng phổ biến của nam châm vĩnh cửu là để hút các vật từ tính khác (như miếng đệm cửa tủ lạnh, miếng từ cửa tủ nội thất) và thường sử dụng trong các thiết bị điện tử (như trong máy tính, máy phát điện, tai nghe, loa, cảm biến,…).

+ Nam châm điện: Thường sử dụng trong các thiết bị máy móc công nghiệp cần có từ trường mạnh để điều khiển (ví dụ: máy MRI, máy gia tốc hạt, thiết bị nâng vật nặng,… đặc biệt là tàu đệm từ cao tốc).