Chính sách…

Tròn 2 năm sau ngày khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La (23/12/2012), UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 3674/QĐ-UBND (ngày 31/12/2014) phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Ad (thứ hai, bên phải sang) đứng ở lòng hồ sông Đà vào mùa cạn trơ đáy, tại xã It Ong, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, trong chuyến đi thị sát địa điểm xây dựng thủy điện Sơn La năm 2002.

Mục tiêu nhằm phát triển vùng lòng hồ thủy điện Sơn La thành động lực phát triển du lịch tỉnh Sơn La và trở thành khu du lịch quốc gia trong tương lai. Theo quy hoạch, khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La có các sản phẩm du Iịch đặc thù như: Tham quan, ngắm cảnh quan thiên nhiên bằng du thuyền; tham quan các khu nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ; tham quan tìm hiểu quy trình hoạt động các nhà máy thủy điện: Sơn La, Nậm Chiến, Nậm La, Huội Quảng...

Cùng nằm trên bậc thang hệ thống thủy điện trên sông Đà, hồ Hòa Bình cũng được đưa vào khai thác du lịch. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg (ngày 1/8/2016) phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.

Theo đó, phát triển du lịch phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hồ Hòa Bình, nhà máy thủy điện Hòa Bình, phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái, và lợi ích của các bên liên quan…; Tập trung khai thác lợi thế mặt nước hồ, cảnh quan, hệ sinh thái, văn hóa Mường để phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình bền vững theo hướng xanh, sạch, gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường, tạo nên sự khác biệt, đặc trưng về sản phẩm du lịch, góp phần tạo dựng thương hiệu của khu du lịch.

Các sản phẩm du lịch chính có tham quan hệ sinh thái hồ, du thuyền ngắm cảnh quan trên hồ, tham quan công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình…

Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1039/QĐ-TTg (ngày 16/8/2018) phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình đến năm 2035.

Hiện nay, ở các khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Na Hang (Tuyên Quang), vẫn tổ chức tour cho du khách đi thuyền ngắm cảnh quan tuyệt đẹp của lòng hồ, kết hợp tham quan một số thắng cảnh đẹp, lịch sử, văn hóa ngay tại địa phương. Tuy nhiên, loại hình này vẫn còn ít.

Du lịch tại hồ Na Hang (Tuyên Quang)

Ở một số địa phương, người dân sống quanh khu vực lòng hồ thủy điện còn khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng/bè. Đây cũng là điểm nhấn khi tham quan trên hồ thủy điện.

Hạn chế…

Chính sách đã có, tuy nhiên, so với các sản phẩm du lịch khác, du lịch trên lòng hồ thủy điện vẫn còn hạn chế. Có lẽ do một yếu tố sau:

- Du thuyền trên lòng hồ thủy điện thường mất nhiều thời gian di chuyển, đó là đặc điểm của lênh đênh sông hồ. Trong khi du ngoạn các thắng cảnh trên bờ, các hướng dẫn viên dễ ấn định thời gian, “lùa” du khách di chuyển qua các điểm tham quan khác, nhanh gọn hơn.

- Công ty du lịch phải phối hợp với chủ đầu tư nhà máy thủy điện, chính quyền địa phương, các bên liên quan... để đảm bảo an toàn cho tính mạng du khách, an ninh trật tự cho khu vực hồ thủy điện. Khâu thủ tục này thường phải mất thời gian.

- Tính rủi ro khi du lịch trên hồ thủy điện cao hơn khi đi du lịch trên bờ.

- Ít có các điểm tham quan văn hóa - lịch sử lân cận khu vực lòng hồ thủy điện, để du khách thuận tiện di chuyển đến các điểm tham quan cùng tuyến, cùng khu vực, cùng địa phương.

- Đầu tư phương tiện tàu thuyền, phương tiện bảo hộ, bến bãi… khá tốn kém.

Trải nghiệm…

Bản thân ad một ngày cuối năm 2020, được trải nghiệm, ngồi trên thuyền, đi một vòng trên lòng hồ Hàm Thuận (Bình Thuận).

Hồ Hàm Thuận trải dài trên 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận, diện tích mặt thoáng ở mực nước dâng bình thường (+605 MSL) khoảng 25 km2.

Đó là cảm giác khó tả. Tour sông nước luôn có không khí khác lạ so với tour đi bách bộ trên bờ.

Trời mây, đồi núi, cây cối, nước hồ, ánh nắng,… đủ mọi vạn vật để bạn hít thở, cảm xúc khi du ngoạn trên hồ. Giữa trưa nắng, thuyền chạy băng băng, nước xé hai bên mạn thuyền, không khí mát lạnh. Có lẽ, do một phần đang đi trên mặt nước hồ, một phần vị trí hồ Hàm Thuận khá gần Bảo Lộc, Đà Lạt nên không khí khá mát mẻ.

Cảnh đẹp hồ Hàm Thuận như bức tranh thủy mặc

Cảnh đẹp của hồ Hàm Thuận thì khỏi chê. Bầu trời trong vắt. Mặt hồ phẳng lặng. Cây cối xanh tươi… Cảnh vật trông như bức tranh thủy mặc.

Chỉ đáng tiếc, quanh khu vực lòng hồ thủy điện Hàm Thuận bán kính tầm khoảng 5km, không có di tích, thắng cảnh đẹp để xây dựng tour liên tuyến.

Cách đó khoảng chừng 10km có hồ Đa Mi. Nhưng bạn khó du ngoạn trên hồ này, vì mặt hồ đã được khai thác dự án điện mặt trời nổi.

Nghĩ thoáng…

Du lịch trên hồ thủy điện vẫn còn hạn chế, trong khi cả nước có hàng trăm hồ thủy điện. Vậy tại sao du ngoạn bằng thuyền trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), sông Hương (Huế), sông Hàn (Đà Nẵng), sông Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)… rất thu hút khách? Thậm chí trở thành “đặc sản” của địa phương.

Nếu cứ mãi suy nghĩ “1.001 lý do” khó khăn khi phát triển sản phẩm du lịch hồ thủy điện trở nên phổ biến thì sẽ mãi không thể làm tươi mới các sản phẩm du lịch trong nước.

Nếu cứ loanh quanh ngại khó, ngại rủi ro, ngại đầu tư… thì các sản phẩm du lịch sẽ cứ mãi quanh quẩn các điểm cũ kỹ, sáo mòn.

                                                                                                                                Sài Gòn tháng 1/2021