Ngày 13/3/2022 vừa qua, người dân Mỹ đã điều chỉnh đồng hồ sang giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (còn gọi giờ mùa hè) sớm hơn 1 giờ so với giờ tiêu chuẩn bình thường. Đến chủ nhật trong tuần đầu tiên của tháng 11, họ lại điều chỉnh đồng hồ lùi 1 giờ về như cũ, lúc đó gọi là giờ mùa đông.
Tuy nhiên, có thể đây sẽ là năm cuối cùng người dân Mỹ điều chỉnh đồng hồ hai lần/một năm như vậy.
Thượng viện Mỹ ngày 15/3/2022 vừa nhất trí bỏ phiếu thông qua Đạo luật bảo vệ ánh nắng mặt trời, đạo luật này sẽ thiết lập thời gian tiết kiệm ánh sáng ban ngày là mặc định quanh năm cho các bang. Dự luật còn phải được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua, sau đó được Tổng thống Mỹ ký trước khi có hiệu lực.
Nếu đúng kế hoạch như vậy, người Mỹ sẽ không còn phải điều chỉnh đồng hồ hai lần mỗi năm từ giờ chuẩn sang giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày và ngược lại, bắt đầu từ năm 2023.
Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (tiếng Anh là Daylight Saving Time - viết tắt là DST) là quy ước chỉnh đồng hồ sớm hơn khoảng 1 giờ, so với giờ tiêu chuẩn, tại một số quốc gia phương Tây trong một giai đoạn mùa hè trong năm. Việc chỉnh đồng hồ sớm hơn khoảng 1 giờ nhằm tận dụng nhiều hơn ánh sáng mặt trời vào ban ngày. Do vào mùa hè, các nước ôn đới hay gần cực, ánh sáng ban ngày bắt đầu sớm hơn và kéo dài hơn vài giờ đồng hồ so với mùa đông.
Bạn có thể hình dung, vào buổi sáng mùa hè, ánh nắng ban ngày bắt đầu sớm hơn, người dân có thể tắt bớt đèn hoặc các thiết bị sưởi ấm. Đèn đường cũng tắt sớm hơn vào buổi sáng và bật trễ hơn vào buổi tối.
Hoặc vào cuối buổi chiều mùa hè, người dân vẫn tận dụng ánh sáng ban ngày sau giờ làm việc để đi mua sắm và giải trí, chi tiêu tăng cũng thúc đẩy nền kinh tế. Người ta cũng hy vọng, việc tiết kiệm ánh sáng ban ngày sẽ tăng cường sức khỏe và thể chất của trẻ em bằng cách khuyến khích chúng dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời.
Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày có ý nghĩa thực tiễn là giúp tiết kiệm điện chiếu sáng và năng lượng sưởi ấm vào mùa hè. Điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí năng lượng.