Đề cập đến hiện đại hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng điện và băng thông rộng, nghiên cứu mới từ Đại học Massachusetts Amherst (Hoa Kỳ) cho thấy, phương pháp “đào một lần” tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với làm riêng lẻ. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Cell Reports Sustainability.

Cùng ngầm hóa là việc chôn cả cáp điện và cáp băng thông rộng cùng lúc. Lợi ích chính của ngầm hóa cả đường dây điện và băng thông rộng cùng nhau là tiết kiệm chi phí có thể có được từ việc cùng triển khai các đường dây tiện ích đó.

Tiết kiệm chi phí này giúp ngay cả các thị trấn nhỏ ở Massachusetts cũng có thể thực hiện nâng cấp ngầm hóa. Sử dụng mô hình tính toán trên nhiều kịch bản nâng cấp cơ sở hạ tầng khác nhau, các nhà nghiên cứu nhận thấy, việc cùng ngầm hóa tiết kiệm chi phí gần 40% so với việc chôn riêng cáp điện và cáp băng thông rộng.

Các nhà nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi: các thị trấn nên chuyển đổi như thế nào sang đặt đường dây cáp ngầm? Có nên đợi đến khi đường dây hết tuổi thọ rồi mới triển khai thực hiện khi cần thiết, hay chủ động tiến hành?

Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu xác định ba yếu tố cần xem xét: chi phí chuyển đổi đường dây từ trên mặt đất xuống chôn ngầm, chi phí mất điện và số giờ mất điện có thể tránh được nếu đường dây ngầm dưới lòng đất.

Để định lượng các yếu tố này, các nhà nghiên cứu tạo ra mô hình tính toán chi tiết. Trong đó, yếu tố quan trọng thúc đẩy toàn bộ vấn đề là chi phí. Về cơ bản, nhóm nghiên cứu cố gắng mô hình hóa sự phụ thuộc của chi phí vào các yếu tố như thành phần đất, loại mạng lưới hoặc các biến số sử dụng đất khác.

Lấy thị trấn Shrewsbury, Massachusetts làm nghiên cứu điển hình, nhóm nghiên cứu nhận thấy giải pháp tiết kiệm chi phí nhất là chủ động tích cực trong việc cùng ngầm hóa và thay thế cơ sở hạ tầng hiện có, miễn là có thể xác nhận việc ngầm hóa giúp giảm ít nhất 50% sự cố mất điện.

Trong hơn 40 năm, chi phí cho chiến lược cùng ngầm hóa ở Shrewsbury sẽ là 45,4 triệu đô la, nhưng lợi ích từ việc tránh mất điện là 55,1 triệu đô la. Con số này đã tính đến các yếu tố như thực phẩm bị hư, thiết bị gia dụng bị hỏng, mất giờ làm việc từ xa, tăng sử dụng nguồn điện dự phòng.

Tại Massachusetts, thời gian mất điện trung bình của mỗi khách hàng mỗi năm, ước tính là 1,38 giờ. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét đến lợi ích bổ sung là giá trị bất động sản tăng thêm 1,5 triệu đô la nhờ cải thiện tính thẩm mỹ khi loại bỏ đường dây trên cao. Tổng cộng, điều này tạo ra lợi ích ròng là 11,3 triệu đô la.

Chiến lược mang lại lợi ích ròng cao thứ hai là ngầm hóa chỉ riêng đường dây điện. Mặc dù đây là chiến lược ít tốn kém hơn, nhưng lợi ích ròng giảm đáng kể, thấp hơn năm lần so với chiến lược cùng ngầm hóa. Các chiến lược khác, bao gồm cả việc chuyển đổi với tốc độ vừa phải, đều có lợi ích ròng âm.

Một trong những dấu hỏi lớn nhất còn lại là xác định chính xác bao nhiêu sự cố mất điện sẽ được ngăn chặn bằng cách ngầm hóa. Như trên đã nói, giải pháp cùng ngầm hóa đem lại tiết kiệm đáng kể, miễn là có thể xác nhận việc ngầm hóa đường dây điện giúp giảm ít nhất 50% sự cố mất điện.

Nhưng khó nói con số chính xác bởi có nhiều lý do khác nhau để xảy ra sự cố mất điện. Có một điều khá trực quan rằng, việc ngầm hóa có giá trị nếu một nửa số sự cố mất điện là do thời tiết, cháy rừng gây ra. Còn nếu hơn một nửa số sự cố mất điện là do nhà máy điện thì không cần ngầm hóa.