Tháng 1/2025, nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov của Nga, đã sản xuất vượt 1 tỉ kWh điện đầu tiên, sau gần 5 năm đi vào hoạt động thương mại, từ tháng 5/2020. Đây là nhà máy điện hạt nhân nổi duy nhất đang hoạt động trên thế giới.
Lò phản ứng hạt nhân trên tàu không phải là công nghệ đột phá. Nó đã được sử dụng trên các tàu hải quân từ những năm 1950, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tính năng tàng hình của tàu ngầm.
Nhưng với trường hợp Akademik Lomonosov thì khác. Với chiều dài 144 mét, chiều rộng 30 mét, tàu này có hai lò phản ứng KLT-40S phục vụ mục đích dân sự. Hai lò phản ứng này có tổng công suất nhiệt là 300 MW, có thể tạo ra khoảng 70 MWe điện.
Sau khi đóng tàu xong ở St. Petersburg, Akademik Lomonosov di chuyển từ St. Petersburg đến cảng Murmansk ở tây bắc Nga vào tháng 4/2018, để nạp nhiên liên liệu vào các lò phản ứng. Tiếp đó, tàu khởi hành từ cảng Murmansk đến Chukotka qua Bắc Băng Dương vào tháng 8/2019, cập cảng Pevek, Chukotka, vào tháng 9/2019.
Hiện nay, Akademik Lomonosov cung cấp khoảng 60% năng lượng cho lưới điện riêng biệt ở vùng phía tây Chukotka và Chersky ở Yakutia, với khoảng 5.000 người dân. Ngoài việc đã tạo ra 1 tỉ kWh điện, nhà máy còn đóng vai trò là cơ sở đồng phát điện và tái sử dụng nhiệt thải, để sưởi ấm. Nhà máy điện này còn cung cấp năng lượng cho hoạt động khai thác mỏ tại khu vực quặng Baimskaya và giúp khử muối tới 240.000 m3 nước mỗi ngày.
Với công nghệ lò phản ứng tương tự lò phản ứng mà tàu phá băng của Nga sử dụng, chu trình nhiên liệu đòi hỏi phải thay thế các thanh nhiên liệu uranium sau mỗi 3 đến 5 năm. Cả hai lò phản ứng trên Akademik Lomonosov đều đã nạp lại các thanh nhiên liệu lần đầu tiên kể từ khi nhà máy điện hạt nhân nổi này đi vào hoạt động năm 2020.
Sử dụng nhiên liệu uranium làm giàu thấp (LEU), lò phản ứng đầu tiên thay thế các thanh nhiên liệu cuối năm 2023, đầu năm 2024. Sau đó, quy trình tương tự cũng thực hiện hoàn tất ở lò phản ứng thứ hai, Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia (Rosatom) của Nga cho biết.
Các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng được lấy ra khỏi lò phản ứng, đặt bên trong các phòng chứa trên tàu và có thể sẽ ở lại trên tàu một thời gian. Sau đó, chúng được vận chuyển trở lại Murmansk, nơi có cơ sở nạp nhiên liệu từ tàu biển sang tàu hỏa, rồi tiếp tục vận chuyển đến nhà máy ở Mayak, vùng Chelyabinsk, nơi nhiên liệu có thể được tái chế.
Năng lượng hạt nhân có những ý kiến trái chiều khác nhau. Một số ý kiến lo lắng về rủi ro chất thải phóng xạ do phản ứng phân hạch hạt nhân tạo ra, một số khác lo lắng về khoản đầu tư lớn về thời gian và tiền bạc cần thiết để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn.
Trong khi cuộc tranh luận về vai trò của năng lượng hạt nhân vẫn tiếp diễn, không thể phủ nhận kỳ tích về kỹ thuật trong lĩnh vực này, đó là trường hợp của Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi duy nhất trên thế giới đang sản xuất nhiệt và điện ở cực bắc của thế giới.