Lắp đặt tấm pin mặt trời tại các nghĩa trang
Valencia, thành phố lớn thứ ba ở Tây Ban Nha, vừa khởi động dự án “Requiem in Power (RIP)”, nhằm lắp đặt 6.658 tấm pin mặt trời tại các nghĩa trang ở địa phương. Dự án RIP dự kiến sẽ trở thành trang trại năng lượng mặt trời đô thị lớn nhất cả nước, phù hợp với mục tiêu của thành phố là tạo ra 27% năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Là một phần của “Sứ mệnh khí hậu Valencia 2030”, thành phố này sẽ lắp đặt 6.658 tấm pin mặt trời tại các nghĩa trang địa phương, trong đó 810 tấm pin đầu tiên đã đi vào hoạt động tại các nghĩa trang Grau, Campanar và Benimàmet. Những tấm pin mặt trời này sẽ tạo ra hơn 440.000 kilowatt điện mỗi năm, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon của thành phố bằng cách loại bỏ 140 tấn carbon dioxide mỗi năm. Điện được tạo ra, chủ yếu cung cấp cho các tòa nhà thành phố, trong đó 25% được dùng để hỗ trợ khoảng 1.000 hộ gia đình dễ bị tổn thương.
Tái sử dụng không gian đô thị
Nghĩa trang thường có không gian khá mở, yên tĩnh, đón được nhiều ánh sáng Mặt trời, khiến các khu đất này là địa điểm thích hợp để lắp đặt tấm pin mặt trời. Điều này khiến nghĩa trang trở thành địa điểm phù hợp cho các dự án như RIP.
Bằng cách tái sử dụng những không gian đô thị này, tương tự như việc lắp đặt tấm pin mặt trời trên mái nhà, Valencia xây dựng nên các trung tâm năng lượng xanh độc đáo, hướng đến mục tiêu tạo ra năng lượng sạch mà không làm thay đổi chức năng ban đầu của các nghĩa trang.
Khái niệm biến nghĩa trang thành trang trại điện mặt trời không phải là hoàn toàn mới. Tại Saint-Joachim (một ngôi làng ở phía tây bắc nước Pháp), một dự án tương tự đang được tiến hành với kế hoạch lắp đặt mái che năng lượng mặt trời trên một nghĩa trang để tạo ra điện cho 4.000 cư dân vào năm 2025.
Thành phần quan trọng trong sứ mệnh khí hậu của Valencia
Dự án RIP của Valencia là ví dụ hàng đầu về sự đổi mới trong phát triển bền vững đô thị. Nó giải quyết nhu cầu năng lượng của thành phố, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Sáng kiến này cũng chứng minh tiềm năng của các thành phố trong việc sử dụng các không gian phi truyền thống để sản xuất năng lượng tái tạo, góp phần tạo nên tương lai bền vững hơn cho cư dân của họ.
Dự án RIP là một phần quan trọng trong "Sứ mệnh khí hậu Valencia 2030", với mục tiêu dài hạn là tạo ra 27% năng lượng của thành phố từ các nguồn tái tạo, 100% công suất năng lượng sạch của Valencia được đưa vào cơ sở hạ tầng và các tòa nhà công cộng vào năm 2030, chuyển đổi tất cả đèn chiếu sáng công cộng sang đèn LED tiết kiệm năng lượng. Sứ mệnh này còn muốn hình thành các cộng đồng năng lượng địa phương tại các khu phố của Valencia, thúc đẩy sự độc lập lớn hơn về năng lượng.
Bằng cách tái sử dụng các không gian đô thị như nghĩa trang, Valencia đã đưa ra ví dụ mạnh mẽ về cách các thành phố đóng góp vào việc chống lại biến đổi khí hậu. Là một phần trong chiến lược khí hậu của mình, Valencia đang đặt mục tiêu đạt mức trung hòa khí hậu vào cuối thập kỷ này, sớm hơn 20 năm so với mục tiêu năm 2050 của EU.