Với việc xuất khẩu ròng hơn 48,7 terawatt giờ (TWh) vào năm 2023, Pháp lấy lại vị trí là nước xuất khẩu điện hàng đầu châu Âu, do Thụy Điển nắm giữ vào năm 2022. Năm 2023, sản lượng điện hạt nhân của Pháp đạt 320 TWh khi các lò phản ứng hoạt động trở lại sau khi tiến hành kiểm tra, sửa chữa. Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) ước tính sản lượng năm 2024 là 315 - 345 TWh và 335 - 365 TWh cho các năm 2025 và 2026.

Trước đó, do vấn đề ăn mòn được phát hiện lần đầu ở nhà máy điện Civaux vào tháng 12/2021, EDF phải tiến hành công tác kiểm tra, bảo trì hàng loạt lò phản ứng tại các nhà máy điện khác, kéo dài suốt năm 2022. Điều này làm sản lượng điện của Pháp sụt giảm lịch sử, buộc phải nhập khẩu điện trong năm 2022, điều chưa từng xảy ra trong 42 năm. Năm 2022, các lò phản ứng ở Pháp sản xuất được khoảng 280 TWh, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 10 năm là 395 TWh.

Năng lượng hạt nhân đóng vai trò quan trọng giúp Pháp đạt được xuất khẩu ròng điện. Pháp hiện có 56 lò phản ứng hạt nhân, cung cấp khoảng 70% điện năng cho đất nước. Phần lớn điện năng từ Pháp được xuất khẩu sang Đức và Ý.

Thụy Điển là nước xuất khẩu ròng điện cao thứ hai ở châu Âu, đạt 28,6 TWh nhờ sản lượng thủy điện dồi dào. Na Uy cũng dư sản lượng thủy điện và Tây Ban Nha dựa vào năng lượng mặt trời và gió, xuất khẩu ròng lần lượt 17,3 TWh và 13,9 TWh, giữ vị trí thứ ba và thứ tư. Hà Lan theo sát ở vị trí thứ năm với 8,8 TWh xuất khẩu ròng.

Ở chiều ngược lại, Đức đã nhập khẩu 10 TWh vào năm 2023. Tình trạng này có thể được giải thích bằng việc ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng ở Đức phải đóng cửa, ngay cả khi chúng chỉ chiếm 6% lượng điện sản xuất trong nước. Khả năng Đức vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu điện trong thời gian tới, đặc biệt khi một số nhà máy than dự kiến đóng cửa vào năm 2024.