Rò rỉ điện là một hiện tượng vật lý khi dòng điện dư thừa được tạo ra trong quá trình sử dụng điện. Hay nói một cách đơn giản, đó là dòng điện bị lãng phí truyền ra ngoài vỏ thiết bị điện. Chúng làm tổn hao năng lượng rất lớn so với lượng điện năng mà chúng ta sử dụng thực.

Khi rò điện, cường độ dòng điện tại vị trí rò là rất lớn, chính vì thế rất dễ gây tai nạn khi bạn không phát hiện ra sớm. 

Nguyên nhân rò điện thì rất nhiều, song chủ yếu xảy ra trên mạch tải điện. Một số trường hợp rò điện thông thường như sau:

- Cây cối ven đường mọc cao lên, xuyên qua dây điện, dây điện và cành cây không ngừng cọ xát, lâu ngày làm mòn, xước lớp vỏ bọc cách điện bên ngoài của dây điện, dòng điện trong dây dẫn tiếp xúc với cành lá. Gặp lúc trời mưa, cành cây ẩm ướt cũng có thể dẫn điện, thế là xảy ra rò điện.

Đường dây điện trong nhà sử dụng lâu ngày có thể lão hóa, nứt gãy, gây rò điện

- Đường dây điện trong nhà sử dụng lâu ngày, lớp nhựa cách điện bị lão hóa, rạn nứt, giòn gãy, hở vỏ bọc cách điện, dẫn đến rò điện, làm cho dây điện không còn an toàn nữa.

- Các thiết bị điện gia dụng trong nhà sử dụng lâu năm. Tuổi thọ của thiết bị điện càng cao, làm việc liên tục trong một thời gian dài, nguy cơ rò rỉ điện càng lớn. Chẳng hạn, bạn chạm tay vào vỏ lò vi sóng đang hoạt động, cảm thấy bị giật tê tê, lò vi sóng đã bị rò điện.

- Nếu bạn đặt thiết bị điện quá sát tường, gần nơi ẩm thấp, nước chảy, làm cho thiết bị điện bị ẩm. Theo thời gian, tình trạng rò rỉ này sẽ ngày càng nặng hơn, khi các dây điện bị ẩm, xuống cấp, dẫn đến rò điện ra phía ngoài vỏ thiết bị.

- Trong quá trình lắp đặt, sửa chữa thiết bị điện, các bộ phận, linh kiện của thiết bị bị tháo ra và lắp vào không đúng kĩ thuật, không đúng thứ tự, không theo thiết kế ban đầu của sản phẩm… khiến kết cấu của sản phẩm bị thay đổi. Rò điện sẽ thường xảy ra tại các mối nối, các vị trí bị thay đổi này. Hoặc vì các lý do nào đó, bộ phận chống rò điện (ở máy nước nóng lạnh) bị tháo ra, sau thời gian sử dụng sẽ rò rỉ điện ra ngoài vỏ thiết bị.

Chuột cắn phá, bong tróc lớp vỏ cách điện, gây rò điện

- Chuột cắn phá dây điện làm lớp vỏ bọc cách điện bị hở, bong tróc, cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến rò điện. Gián, mối làm tổ trong các ổ cắm điện, thiết bị điện cũng làm rò điện.

Rò điện không chỉ làm tiêu hao điện năng một cách vô ích, lãng phí, mà còn gây nguy hiểm cho con người. Dòng điện bị rò càng lớn, nhiệt lượng sinh ra càng nhiều, càng nguy hiểm. Chỗ bị rò điện, dòng điện bị rò không ngừng sinh ra nhiệt lượng, nhiệt độ chỗ ấy sẽ ngày càng cao. Nhiệt độ lên cao đến mức nhất định, có thể đốt cháy lớp cao su cách điện, gây cháy. Đặc biệt là nguy cơ cháy lan các vật dụng xung quanh. Nhiều trường hợp hỏa hoạn công trình, nhà ở, mọi người không ngờ được nguyên nhân từ nhiệt lượng sinh ra rất cao từ chỗ bị rò điện.

Rò rỉ điện có thể là nguyên nhân gây hỏa hoạn

Rò điện còn có thể trực tiếp gây nguy hiểm cho cơ thể người. Nếu cơ thể chạm phải dòng điện bị rò, trường hợp điện áp nhỏ, có thể chỉ làm cho người cảm thấy bị giật tê tê. Khi điện áp lớn hơn, sẽ làm cho người bị điện giật mạnh, đe dọa an toàn tính mạng. Nếu gặp phải tình hình này, trước hết phải cắt đứt nguồn điện, rồi tìm cách cứu chữa người bị điện giật.

Để phòng ngừa rò điện, ngoài việc thường xuyên kiểm tra đường dây, còn phải chú ý kịp thời thay dây điện, ổ cắm của thiết bị điện khi thấy nó đã bị mòn xước, bong tróc; thiết bị điện sử dụng xong phải kịp thời tắt nguồn điện, rút phích cắm ra…

Khi phát hiện rò rỉ điện, trước tiên, bạn hãy tránh xa vị trí rò rỉ điện ra; mang giày, dép vào để cách điện, tránh dòng điện rò rỉ tiếp đất gây nguy hiểm. Cúp nguồn điện tổng, sau đó di chuyển hoặc tháo thiết bị rò điện ra khỏi hệ thống điện. Không nên chạm tay vào thiết bị rò điện khi chưa sử dụng các dụng cụ bảo hộ như găng tay cao su, giày bảo hộ,… Với các sự cố cần đến dụng cụ, kỹ thuật cao, bạn nên gọi một đơn vị chuyên nghiệp sửa chữa điện để hỗ trợ kịp thời.