Nếu bạn thường xuyên sử dụng thiết bị điện, chắc chắn có vài lần bạn gặp phích cắm điện có lỗ nhỏ ở cuối mỗi ngạnh (chân). Có thể bạn nghĩ đó là chuyện nhỏ nhặt. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc tại sao phích cắm lại có lỗ nhỏ ở cuối mỗi ngạnh không?

Mặc dù các lỗ này thực sự không tạo ra sự khác biệt về mặt an toàn điện nhưng tác dụng của chúng là gì vẫn còn đang được tranh luận rộng rãi. Chắc chắn những lỗ này tồn tại là có lý do. Nhưng trước tiên hãy nói một chút về phích cắm điện.

Có hai loại phích cắm điện phổ biến ở Bắc Mỹ: loại A và B (về kỹ thuật được gọi lần lượt là NEMA 1-15 và NEMA 5-15). Loại A là phích cắm có hai ngạnh (chân) phẳng song song. Loại B cũng có hai ngạnh phẳng nhưng có thêm một chân hình tròn để nối đất cho thiết bị trước khi cắm nguồn.

Cả hai ngạnh phẳng của loại A và B đều có lỗ ở gần đầu. Vậy những lỗ này nhằm mục đích gì? Một số câu trả lời được đưa ra.

1. Câu trả lời phổ biến nhất là lỗ trên mỗi ngạnh giúp phích cắm được giữ chặt trong ổ cắm. Nếu bạn tháo một ổ cắm điện ra, nhìn vào bên trong nơi các ngạnh trượt vào, sẽ thấy có những vết lồi lõm trên đó (các loại ổ cắm sản xuất cũ hơn, có viên bi nhỏ thay vết lồi lõm). Các lồi lõm này khớp với lỗ trên ngạnh để tăng thêm độ bám, giúp ổ cắm giữ chặt phích cắm hơn. Điều này giúp phích cắm không bị lỏng khỏi ổ cắm do sức nặng của phích cắm hoặc dây, cải thiện tiếp xúc giữa phích cắm và ổ cắm. Các thiết kế hiện đại phần lớn không còn dùng các lồi lõm bên trong ổ cắm nữa, thay vào đó sử dụng các yếu tố khác tăng ma sát để giữ chặt phích cắm.

2. Bên cạnh tác dụng tăng thêm độ bám, trên phích cắm điện có lỗ còn làm giảm bớt sử dụng kim loại khi chế tạo phích cắm. Mặc dù rất nhỏ nhưng điều này có thể giúp nhà sản xuất tiết kiệm vật liệu và chi phí về lâu dài.

3. Một giả thuyết khác, rằng các lỗ này giúp việc sản xuất số lượng lớn phích cắm trên dây chuyền lắp ráp trở nên dễ dàng hơn. Bằng cách căn chỉnh thông qua xâu lỗ các ngạnh, phần còn lại của mỗi phích cắm có thể được lắp ráp tương đối dễ dàng. Điều này khá ý nghĩa. Nhưng điều đó vẫn không trả lời được tại sao các lỗ trên mọi phích cắm đều giống hệt nhau bất kể chúng của nhà sản xuất nào. Chẳng phải các công ty khác nhau sẽ có thiết kế hơi khác nhau sao?

4. Một số thiết bị điện được nhà sản xuất “khóa” hay “niêm phong” bằng dây buộc bằng nhựa, được luồn qua một hoặc hai lỗ ngạnh. Các yêu cầu an toàn điện có thể cần cách niêm phong này. Ví dụ: Trước khi sử dụng thiết bị điện, bạn gặp phích cắm có dây nhựa luồn qua lỗ ngạnh và gắn vào thẻ có nội dung đại loại “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”. Người dùng không thể cắm thiết bị nếu không tháo thẻ nên chắc chắn sẽ xem hướng dẫn.

5. Đây là kết quả giải quyết của cuộc chiến bản quyền. Các nhà sản xuất phích cắm điện ở Bắc Mỹ đều phải tuân thủ các quy định do Hiệp hội các nhà sản xuất điện quốc gia (NEMA - National Electrical Manufacturers Association) quản lý. NEMA có những yêu cầu rất nghiêm ngặt về vị trí, kích thước lỗ của ngạnh phích cắm điện. Hóa ra, quy định này là kết quả giải quyết của cuộc chiến bản quyền từ rất sớm của phích cắm điện. Năm 1913, nhà phát minh Harvey Hubbell được cấp bằng sáng chế cho thiết kế phích cắm đầu tiên ở Mỹ, có hai ngạnh với vết lõm ở mỗi bên ngạnh. Các nhà sản xuất khác nhìn ra ý tưởng này và cố gắng tạo ra các thiết kế phích cắm của riêng họ, một trong số đó có lỗ tròn ở đầu mỗi ngạnh, giống như phích cắm ngày nay. Cơ quan quản lý nhận ra rằng, sẽ rất nguy hiểm nếu có quá nhiều kiểu dáng khác nhau, kết nối kém có thể dẫn đến mất an toàn điện, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Trong quá trình hợp nhất các thiết kế khác nhau, NEMA chọn phê duyệt lỗ tròn trên ngạnh, biến chúng thành tiêu chuẩn cho các phích cắm điện sau này. Dẫu sao, người phát minh ra các lỗ trên ngạnh vẫn được ghi nhận là của Harvey Hubbell (1857 - 1927).

Phích cắm có lỗ là đặc điểm nổi bật của phích cắm loại A, loại B, chủ yếu sử dụng ở Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Sự khác biệt chính giữa phích cắm loại A và loại B là phích cắm loại B có thêm một chân tròn để nối đất. Còn phích cắm điện ở các quốc gia khác, chủ yếu là ngạnh tròn hoặc ngạnh dẹt phẳng, không cần có lỗ.