Cá chình điện (Electric eel)

Cá chình điện hay còn gọi là lươn điện (thuộc họ Gymnotida, chi Electrophorus), được tìm thấy ở sông Amazon hoặc các phụ lưu của nó ở vùng Nam Mỹ và Trung Mỹ. Các nghiên cứu trên thực tế cho thấy, có ít nhất ba loài: Electrophorus electricus; Electrophorus varii; Electrophorus voltai. Cá chình điện có thể dài tới 1,8 mét, trọng lượng 20 - 22 kg, mặc dù các mẫu vật lớn hơn đôi khi được tìm thấy.

Cá chình điện (còn gọi là lươn điện)

Cá chình điện có khả năng phóng điện nhờ ba cơ quan chuyên dụng: cơ quan chính, cơ quan Hunter và cơ quan Sach, được phân bổ trên cơ thể thuôn dài của chúng. Cho đến nay, mức phóng điện cao nhất được báo cáo đối với một con cá chình điện là từ 550 - 650 volt. Tuy nhiên, có sự khác biệt về điện thế giữa ba loài: Electrophorus electricus tạo ra 480 volt, Electrophorus varii 570 volt và Electrophorus voltai 860 volt - một kỷ lục về sản xuất điện sinh học trong giới động vật.

Mẫu vật E. voltai tạo ra 860 volt được William Crampton thu thập và ghi lại ở Lago Amorim trên sông Rio Tapajós ở Brazil, trong khi quay phim tài liệu Monster Fish với Zeb Hogan cho National Geographic vào tháng 1/2014. Con cá có chiều dài 1,219 mét.

Cá chình điện chủ yếu sử dụng các cú sốc điện áp cao để làm choáng con mồi, như cá nhỏ và động vật giáp xác, đồng thời cũng để tự vệ khi bị tấn công bởi những kẻ săn mồi. Tuy nhiên, chúng cũng sử dụng các xung điện áp thấp hơn (khoảng 10 volt) do cơ quan Sach và phần sau của cơ quan Hunter tạo ra để định vị điện ở các sông và hồ thường xuyên âm u nơi chúng sinh sống.

Cá da trơn điện (Electric catfish)

Cá da trơn điện thuộc họ Malapteruridae. Họ này bao gồm hai chi: Malapterurus và Paradoxoglanis với khoảng 18 loài, có nguồn gốc và phân bố rộng rãi ở châu Phi và sông Nile.

Cá da trơn điện, loài Malapterurus electricus

Loài được biết đến nhiều nhất trong nhóm này là Malapterurus electricus. Cá có màu nâu hoặc hơi xám, đốm đen không đều, chiều dài khoảng 1 mét, trọng lượng 20 - 22 kg. Cá thường sống ở vùng nước nông, có đáy bùn hoặc cát ở các khu vực đá lân cận, ưa nước chậm hoặc nước đọng.

Loài Malapterurus electricus có khả năng phóng điện tới 300 - 400 volt. Nó sử dụng dòng điện của mình để tự vệ và gây choáng để bắt con mồi. Cơ quan điện được cấu tạo bởi các mô cơ biến đổi và tạo thành một lớp sền sệt, mịn ngay bên dưới lớp da trần, mềm của cá. 

Cá đuối điện (Electric ray)

Cá đuối điện nằm trong 2 họ: Narcinidae (có 2 phân họ gồm: Narcininae, Narkinae) và Torpedinidae (có 2 phân họ gồm: Hypninae, Torpedininae), được chia thành 12 chi với khoảng 60 loài. Các loài cá đuối điện được biết đến nhiều nhất thuộc chi Torpedo, họ Torpedinidae.

Cá đuối điện Torpedo

Cá đuối điện còn được gọi tên là Electric ray vì khả năng tạo ra các cú sốc điện của nó. Hầu hết cá đuối điện sống ở vùng nước nông, vùi mình dưới cát vào ban ngày nhưng một số loài (Benthobatis) sống ở độ sâu đến 1.000m và hơn thế nữa, các loài sống ở đáy di chuyển chậm. Cá đuối điện ăn các loài cá và động vật không xương sống. Chúng vô hại trừ khi bị chạm vào hoặc dẫm lên chúng.

Nếu gặp phải con mồi, kích thích phóng điện sẽ làm con mồi choáng váng. Sau đó, cá đuối điện sẽ dẫn thức ăn bằng vây ngực đến miệng, nằm dưới cơ thể của nó. Ngoài việc làm choáng váng con mồi và đánh lạc hướng kẻ săn mồi, các cơ quan điện của cá đuối điện cũng có thể được sử dụng để phát hiện con mồi và giao tiếp với nhau.

Loài phóng điện mạnh nhất là cá đuối Đại Tây Dương hay cá ngư lôi đen (Torpedo nobiliana), có nguồn gốc từ Địa Trung Hải và các vùng lân cận phía đông Đại Tây Dương, đây cũng là loài Torpedo lớn nhất thế giới. Nó thường tạo ra điện thế 50 - 60 volt, thậm chí, khả năng phóng điện cỡ 220 volt đã được các nhà nghiên cứu ghi nhận.

Ngoài 3 loài cá phóng điện mạnh như trên, dưới đại dương còn một số loài sinh vật khác có khả năng tạo ra các xung điện, nhưng yếu hơn như: cá mũi voi, thú mỏ vịt…