Bức xạ là gì?

Bức xạ là sự phát xạ và lan truyền năng lượng dưới dạng sóng, tia hoặc hạt. Có ba loại bức xạ chính:

- Bức xạ không ion hóa: Đây là sự giải phóng năng lượng từ vùng năng lượng thấp hơn của phổ điện từ. Các nguồn bức xạ không ion hóa bao gồm ánh sáng bạn nhìn thấy, sóng vô tuyến, sóng vi ba, tia hồng ngoại, tia cực tím.

- Bức xạ ion hóa: Đây là bức xạ có năng lượng đủ để đẩy một electron ra khỏi quỹ đạo nguyên tử, tạo thành ion. Bức xạ ion hóa có hai dạng chính: Bức xạ điện từ năng lượng cao (bao gồm tia X, tia gamma); Bức xạ hạt (hạt alpha, hạt beta).

- Neutron: Neutron là hạt có trong hạt nhân nguyên tử. Khi tách ra khỏi hạt nhân, chúng có năng lượng và hoạt động như bức xạ.

Ví dụ về bức xạ

Bức xạ bao gồm sự phát ra của bất kỳ phần nào của quang phổ điện từ, cùng với đó là sự giải phóng các hạt. Một số ví dụ về bức xạ như:

- Một ngọn nến đang cháy phát ra bức xạ dưới dạng nhiệt và ánh sáng.

- Mặt trời phát ra bức xạ dưới dạng ánh sáng, nhiệt và các hạt.

- Uranium-238 phân rã thành Thorium-234 phát ra bức xạ ở dạng hạt alpha.

- Các electron chuyển từ trạng thái năng lượng này sang trạng thái có năng lượng thấp hơn sẽ phát ra bức xạ dưới dạng photon.

Sự khác biệt giữa bức xạ và phóng xạ

Bức xạ là sự giải phóng năng lượng, dù ở dạng sóng hay hạt. Phóng xạ đề cập đến sự phân rã hoặc tách ra của hạt nhân nguyên tử.

Một chất phóng xạ khi nó phân rã sẽ phát ra bức xạ. Sự phân rã phóng xạ có thể xảy ra theo nhiều cách, phổ biến là: phân rã alpha, phân rã beta, phân rã gamma, giải phóng neutron và phân hạch tự phát.

Tất cả đồng vị phóng xạ đều phát ra bức xạ. Nhưng ngược lại, không phải tất cả bức xạ đều đến từ chất phóng xạ.