Tuổi thơ ở Áo

Hedy Lamarr tên thật là Hedwig Eva Maria Kiesler, sinh ngày 9/11/1914 tại Vienna, Áo. Bà là con một trong một gia đình Do Thái khá giả. Cha bà, một giám đốc ngân hàng, là người truyền cảm hứng cho con gái nhìn thế giới với đôi mắt rộng mở. Trong những chuyến đi dạo qua các con phố nhộn nhịp ở Vienna, cha của Hedy thường trò chuyện về kỹ thuật hay công nghệ, giải thích cách thức hoạt động của máy in, xe điện hay cách tạo ra điện tại nhà máy điện.

Mẹ của Hedy là nghệ sĩ piano, đã giới thiệu con gái với nghệ thuật, cho Hedy theo học cả múa ba lê và piano khi còn nhỏ.

Những cuộc trò chuyện từ người cha đã định hướng suy nghĩ của Hedy. Ngay khi còn nhỏ, Hedy có những dấu hiệu cho thấy có tính tò mò bẩm sinh của một kỹ sư. Hedy lớn lên không được đào tạo về kỹ thuật, nhưng lại rất quan tâm đến lĩnh vực này.

Bước chân vào điện ảnh

Ngay cả khi Hedy muốn trở thành kỹ sư hoặc nhà khoa học, con đường sự nghiệp đó dường không dành cho các cô gái Vienna vào những năm 1930. Trí tuệ thông minh của Lamarr không được chú ý, trong khi vẻ đẹp của bà vượt trội. Đạo diễn người Áo Max Reinhardt phát hiện viên ngọc thô này ở tuổi 16. Thế là, cô gái tuổi teen Hedy bước chân vào lĩnh vực điện ảnh.

Hedy bắt đầu sự nghiệp điện ảnh với một số vai diễn phụ. Bà học diễn xuất với đạo diễn Max Reinhardt, người sau đó đưa bà đến Berlin. Năm 18 tuổi (1932), Hedy có vai diễn gây chú ý trong bộ phim đặc sắc “Ecstasy” của đạo diễn người Séc Gustav Machatý. Nhưng bộ phim gây nhiều dư luận trái chiều vì có một số cảnh nhạy cảm.

Khi tham gia vở kịch nổi tiếng “Sissy”, Hedy lọt vào mắt xanh của nhà buôn vũ khí giàu có người Áo Fritz Mandl, người hâm mộ cuồng nhiệt Lamarr. Hedy và Mandl kết hôn năm 1933, nhưng cuộc hôn nhân không êm ấm ngay từ đầu. Mandl buộc vợ phải đi cùng trong những cuộc gặp của Mandl với những người bạn và đối tác kinh doanh đầy tai tiếng, gồm cả những người liên hệ với Đức quốc xã.

Hedy thường im lặng với những cuộc thảo luận về chiến tranh và vũ khí như bom và ngư lôi. Nhưng có lẽ chính nhờ trải nghiệm đó mà Hedy tích lũy được kiến ​​thức đáng kể về cách thức hoạt động của việc dẫn hướng bằng ngư lôi.

Năm 1937, Hedy chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc của mình và cũng trốn khỏi nước Áo, một quốc gia có chính sách chống Do Thái của Adolf Hitler. Bà đến London, mang theo kiến thức thu được từ cuộc trò chuyện trên bàn ăn tối về các vũ khí thời chiến.

Một cái tên mới

Hedy đến London, nơi Louis B. Mayer của MGM Studio nổi tiếng đang tích cực mua lại hợp đồng của các diễn viên Do Thái không còn có thể làm việc an toàn ở châu Âu. Những cuộc thỏa thuận về hợp đồng độc quyền cho MGM Studio giữa Hedy và Mayer, sau đó đã đưa Hedy đến Hoa Kỳ.

Khi đến New York, Mayer còn có một yêu cầu khác. Tên Hedwig Kiesler nghe có vẻ quá Đức. Vợ của Mayer là một fan hâm mộ nữ diễn viên Barbara La Marr vào những năm 1920 (người đã qua đời ở tuổi 29). Vì vậy, nữ diễn viên mới ở MGM sẽ được biết đến với cái tên Hedy Lamarr.

Lamarr bước chân vào Hollywood, ngay lập lức thu hút khán giả Mỹ bằng sự duyên dáng và vẻ đẹp của mình. Không mất nhiều thời gian, Hedy nổi lên như một ngôi sao mới sáng giá ở Hollywood trong suốt những năm 1940. Hedy được mời đóng vai các cô nàng quyến rũ trong các bộ phim nổi tiếng như: “Boom Town”, “Samson and Delilah”, “Tortilla Flat”, “Lady of the Tropics”, “My Favorite Spy”, “Algiers”...

Tuy nhiên, dù đã tham gia hàng chục bộ phim và xuất hiện trên trang bìa của mọi tạp chí nổi tiếng ở Hollywood nhưng ít người biết Hedy cũng là một nhà phát minh tài năng. Trên thực tế, một trong những công nghệ do bà đồng phát minh, đã đặt nền tảng quan trọng cho các công nghệ không dây sau này như GPS, Bluetooth và WiFi.

Nữ diễn viên ban ngày, nhà phát minh ban đêm

Hedy cảm thấy rằng mọi người không đánh giá cao trí thông minh của mình, dường như họ chú ý đến sắc đẹp hơn. Sau khi làm việc 12 - 15 giờ mỗi ngày tại MGM Studio, Hedy thường bỏ qua các bữa tiệc ở Hollywood hoặc buổi đi chơi với những người theo đuổi bà. Thay vào đó, bà ngồi vào “bàn phát minh” của mình, nơi phác thảo các thiết kế để tìm ra giải pháp cho các vấn đề thực tế. Hedy có một bàn vẽ và cả một tủ đầy sách kỹ thuật.

Mặc dù không phải là một kỹ sư hay nhà toán học được đào tạo bài bản nhưng Hedy Lamarr lại là người giải quyết vấn đề một cách tài tình. Hầu hết sáng chế của Hedy đều là giải pháp thiết thực cho các vấn đề hằng ngày, chẳng hạn như hộp đựng khăn giấy, vòng cổ chó phát sáng trong bóng tối, ghế tắm đặc biệt dành cho người già có thể xoay ra khỏi bồn tắm một cách an toàn hay viên sủi hòa tan trong nước để tạo ra loại soda như nước giải khát.

Hedy ngày càng thể hiện năng lực của một nhà phát minh. Nếu bạn quan sát, những nhà phát minh thực sự, họ thường không phải là những người có trình độ học vấn cao siêu. Họ là những người nghĩ về thế giới, khi phát hiện ra điều gì đó không ổn, sẽ tìm ra cách khắc phục thay vì bực mình hay nguyền rủa. Hedy thực sự là một thiên tài khi trí óc sáng tạo của cô tiếp tục phát triển.

Nỗ lực chấm dứt chiến tranh

Năm 1940, Hedy suy nghĩ nhiều trước tin tức từ châu Âu, nơi Đức quốc xã đang dần mở rộng lãnh thổ và các tàu ngầm U-boat của Đức đang tàn phá Đại Tây Dương. Hedy cảm thấy không thoải mái cho lắm khi ngồi ở Hollywood và kiếm được nhiều tiền trong khi thế giới đang trong tình trạng chiến tranh.

Bước ngoặt xảy ra khi Hedy gặp một người đàn ông trong bữa tiệc tối. George Antheil là một nhà soạn nhạc, người đã mất anh trai mình trong những ngày đầu của chiến tranh. Antheil và Hedy là hai tâm hồn đồng điệu, hai bộ óc thông minh. Họ quyết tâm tìm cách đánh bại Hitler. Nhưng bằng cách nào?

Hedy biết về ngư lôi, dựa vào những kiến ​​thức mà bà thu thập được nhiều năm trước đó trong những bữa tối nhàm chán với người chồng đầu tiên và các khách hàng ở Vienna. Nếu quân đồng minh có thể hạ gục tàu ngầm Đức bằng ngư lôi phóng từ tàu trên mặt nước, họ có thể ngăn chặn được các cuộc tấn công đang diễn ra này. Nhưng ngư lôi cũng dễ bị gây nhiễu bằng các sóng vô tuyến có chủ ý.

Làm thế nào họ có thể ngăn chặn quân Đức gây nhiễu tín hiệu vô tuyến? Hedy và Antheil bắt đầu mày mò, phác thảo những ý tưởng. Cả hai đã nghĩ ra hệ thống liên lạc mới, liên quan đến việc sử dụng “nhảy tần” các sóng vô tuyến. Tín hiệu sóng vô tuyến liên tục biến đổi tần số là điểm mấu chốt trong phát minh này. Làm như vậy, sẽ ngăn việc bị gây nhiễu sóng vô tuyến, cho phép ngư lôi tìm thấy mục tiêu đã định.  

Chính Hedy là người đặt tên cho hệ thống thông minh gây nhiễu tín hiệu của họ là “nhảy tần số”. Hedy và Antheil phát triển ý tưởng của họ với sự giúp đỡ của một cơ quan thời chiến có nhiệm vụ áp dụng các phát minh dân sự vào thời chiến tranh.

Tháng 8/1942, Hedy Lamarr và George Antheil được cấp bằng sáng chế Hoa Kỳ số 2.292.387 cho hệ thống kĩ thuật trải phổ và nhảy tần sơ khai, dùng để chống nhiễu sóng cho các loại ngư lôi được điều khiển bằng sóng vô tuyến. Sau đó, họ trình bày ý tưởng này với Hải quân Hoa Kỳ, nhưng Hải quân Hoa Kỳ không đồng ý triển khai hệ thống mới. Sáng chế của họ không được trao cơ hội.

Bằng sáng chế của Hedy và Antheil được cất đi trong thời gian còn lại của cuộc chiến. Hai nghệ sĩ quay trở lại công việc hằng ngày của họ và nghĩ rằng đó là ngày kết thúc phát minh của họ. Nhưng không, bằng sáng chế của họ sau đó được hồi sinh và là nền móng cho các công nghệ không dây sau này.

Công nghệ nhảy tần phát triển

Hạnh phúc được sáng tạo ở vùng đất mới, Hedy trở thành công dân Mỹ vào tháng 4/1953. Hedy Lamarr tiếp tục được tín nhiệm trong các bộ phim cho đến năm 1958. Còn Antheil qua đời năm 1959. Họ vẫn không biết rằng phát minh tài tình của mình sắp thành công một cách lớn lao.

Vào đầu những năm 1960, công nghệ nhảy tần được triển khai trên các tàu chiến của Mỹ để ngăn chặn việc Liên Xô gây nhiễu tín hiệu trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.

Khi điện thoại trên ô tô trở nên phổ biến vào những năm 1970, các nhà mạng sử dụng tính năng nhảy tần để cho phép hàng trăm người gọi chia sẻ giới hạn phổ tần số vô tuyến. 

Đến những năm 1990, nhảy tần phổ biến đến mức nó trở thành tiêu chuẩn công nghệ được Ủy ban truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) yêu cầu để bảo mật thông tin vô tuyến. Đó là điều mà Bluetooth, WiFi và các công nghệ thiết yếu khác phát triển dựa trên cốt lõi của ý tưởng do Hedy Lamarr và George Antheil nghĩ ra.

Theo thời gian, ngôi sao Hollywood Hedy Lamarr luống tuổi và nghỉ hưu ở Florida, nơi bà tiếp tục với các phát minh mới, bao gồm cả loại đèn giao thông “thân thiện với người lái” hơn. Mãi đến khi Hedy ở tuổi 80, một nhóm kỹ sư mới nhận ra rằng “Hedwig Kiesler Mackay” được ghi trong bằng sáng chế “nhảy tần” năm xưa không ai khác chính là huyền thoại Hollywood, Hedy Lamarr. Hedy không cần tiền, nhưng bà muốn được công nhận phát minh quan trọng của mình. Bằng sáng chế của Hedy hết hạn trước khi bà hưởng lợi từ nó.

Vào những năm cuối đời, sau cùng Hedy đã nhận được giải thưởng cho sự đóng góp phát minh của mình. Tổ chức Biên giới điện tử (Electronic Frontier Foundation) trao tặng Giải thưởng Tiên phong cho Hedy và Antheil vào năm 1997. Lamarr cũng là phụ nữ đầu tiên nhận được Giải thưởng Tinh thần thành tựu BULBIE Gnass của Hội nghị phát minh, trao cho những cá nhân có thành tựu sáng tạo suốt đời trong các lĩnh vực nghệ thuật, khoa học, hoặc phát minh đóng góp đáng kể cho xã hội.

Hedy qua đời tại Florida, Mỹ vào ngày 19/1/2000, nhưng năm 2014 bà vẫn được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng nhà phát minh quốc gia vì đã góp phần phát triển công nghệ nhảy tần. Thành tựu đó khiến Lamarr được mệnh danh là “mẹ của Wi-Fi” và các phương tiện liên lạc không dây khác như GPS và Bluetooth.

Đặc biệt, ở các quốc gia nói tiếng Đức như Đức, Áo, Thụy Sĩ, “Ngày của các nhà phát minh” được chọn là ngày 9/11, cũng chính là ngày sinh nhật của Hedy Lamarr. Vậy mà, mọi người vẫn nhớ nhiều đến ngôi sao Holywood nhan sắc xinh đẹp tuyệt trần hơn là nhà phát minh Hedy Lamarr.