Cấu tạo của lò vi sóng

Một lò vi sóng thông thường gồm các bộ phận chính sau:

- Buồng nấu/ngăn nấu. Đây là phần không gian chứa thực phẩm cần nấu. Buồng nấu có các vách ngăn, có tác dụng phản xạ qua lại các tia vi sóng giúp chúng hấp thụ vào thức ăn. Bao quanh buồng nấu là tấm lưới kim loại để đảm bảo chắc chắn sóng vi ba không bị lọt ra ngoài. 

- Bộ nguồn phát sóng (magnetron). Chúng là nguồn phát ra các tia vi sóng (là tác nhân sấy, hoặc tác nhân làm chín thức ăn) nên đây là bộ phận quan trọng nhất của lò vi sóng với tác dụng tạo sóng để gia nhiệt cho thức ăn. Nguồn phát sóng này thường là các đèn, cấu tạo đèn magnetron có thể khác nhau tùy theo model.

- Ống dẫn sóng. Các ống dẫn sóng này làm nhiệm vụ điều hướng cho chuyển động của các tia vi sóng.

- Biến thế. Lò vi sóng sử dụng biến thế tăng áp: 220V điện thế đầu vào ở cuộn sơ cấp, 2000V điện thế đầu ra tại cuộn thứ cấp.

- Tụ cao áp. Tụ cao áp có nhiệm vụ biến đổi điện thế cao áp xoay chiều (AC) thành điện thế cao áp một chiều (DC), nhằm mục đích kích hoạt nguồn phát sóng. Điện thế cao áp DC sẽ dịch chuyển electron đi từ cực âm sang cực dương trong từ trường mạnh và tạo thành vi sóng.

- Bảng điều khiển. Bảng điều khiển gồm các núm xoay vật lý (đối với lò cơ học) hoặc nút cảm ứng và màn hình điện tử (đối với lò điện tử). Thông qua bảng điều khiển, người sử dụng điều chỉnh sự hoạt động và các tính năng của lò vi sóng.

- Cánh tản sóng. Có chức năng khuấy đều sóng trong ngăn nấu, để sóng được phân bổ đều đặn hơn, đảm bảo thức ăn được làm nóng ở tất cả vị trí.

- Quạt tản nhiệt. Làm mát các bộ phận sinh nhiệt cao trong lò vi sóng (biến thế cao áp và nguồn phát sóng).

- Đĩa quay. Bộ phận này đựng thực phẩm sẽ xoay tròn để giúp thực phẩm hấp thụ sóng đều. Đĩa quay có 2 bộ phận chính: bộ phận xoay và đĩa thủy tinh tích hợp con lăn.

Nguyên lý hoạt động của lò vi sóng

Cấu tạo của lò vi sóng có thể khác nhau về hình dạng, kích thước nhưng hầu như có chung nguyên lý hoạt động cơ bản. Nguyên lý hoạt động của lò vi sóng thông thường có thể hiểu như sau:

Nguồn sóng tạo ra từ bộ phát sóng cao tần (magnetron) có tần số 2450 MHz, các tia sóng này chuyển động thành dòng đi qua ống dẫn sóng (waveguide) vào tới buồng nấu. Bộ phận quạt phát tán thường được lắp đặt phía trên nóc lò, giúp phát tán các tia vi sóng đến mọi phía.

Các tia vi sóng này liên tục phản xạ qua lại trong buồng nấu để có thể đi sâu vào trong thức ăn, truyền năng lượng cho nước bên trong thực phẩm, từ đó sản sinh nhiệt năng làm thức ăn nóng lên. Thực phẩm trong lò vi sóng được xoay tròn để tiếp nhận đồng đều lượng sóng đó.

Sự đốt nóng chia ra làm hai giai đoạn: Nước chứa trong thức ăn được hâm nóng bằng các sóng cực ngắn và nước nóng sẽ truyền nhiệt cho các phần khác của thức ăn.

Trong lò vi sóng, thức ăn được nấu chín nhanh hơn so với bếp gas, bếp điện vì các phân tử thức ăn đều được làm nóng lên cùng lúc. Tuy nhiên, nhược điểm là món ăn được làm nóng đều nên bề mặt sẽ không có được màu vàng nâu hay độ giòn như khi nướng hay chiên xào trong nồi chảo, lò nướng.

Sóng vi ba có an toàn với con người?

Sóng vi ba là sóng vô tuyến, chúng ta không thể nhìn thấy nó. Sóng vi ba trong lò vi sóng là các dao động của điện từ với tần số thường ở 2450 MHz. Sóng vi ba có thể được hấp thụ bởi hầu hết các loại thức ăn

Sóng viba có bước sóng khoảng 1 mm - 1 m, thuộc bước sóng dài. Bước sóng càng dài thì năng lượng photon càng nhỏ, không có đủ năng lượng để gây ra các bệnh ung thư như tia cực tím, tia X.

Chính vì vậy mà trên lý thuyết, dùng lò vi sóng khá an toàn. Các nhà khoa học cho tới nay vẫn chưa tìm thấy các dẫn chứng chứng minh tác hại của lò vi sóng.

Trên thực tế, khi lò hoạt động, sóng vi ba bị cản lại hoàn toàn nhờ lớp kính chắn sóng đặc biệt của cửa lò, và tiêu tán trước khi bạn mở cửa lò. Bạn cần lưu ý, trong khi lò đang hoạt động, không nên mở cửa lò ra.