Các loại chất bẩn tích tụ trong máy giặt
Không phải tất cả chất bẩn đều được giặt sạch, hòa tan trong nước và thoát ra ngoài qua ống xả, Một số chất bẩn vẫn bám lại phía sau lồng giặt, tích tụ theo thời gian ở các vị trí mà người dùng không thể nhìn thấy. Cụ thể như:
● Xơ vải, bụi bẩn, bùn đất: Sau mỗi lần giặt, xơ vải, bụi bẩn, bùn đất còn sót lại, bám vào các khe kẽ của lồng giặt.
● Dầu mỡ, hóa chất: Các chất bẩn có khả năng hòa tan vào nước, sẽ theo nước thoát ra ngoài, nhưng các chất bẩn cứng đầu như dầu mỡ, sơn, hoặc hóa chất khác khó tan trong nước, vẫn bám vào lồng giặt.
● Cặn xà phòng và chất làm mềm: Không phải tất cả xà phòng và chất làm mềm vải đều được cuốn trôi hết sau mỗi lần giặt, chúng cũng tích tụ thành cặn bám trong lồng giặt.
● Vật thể từ quần áo: Các vật thể như giấy, tiền, bánh kẹo,… bỏ quên trong túi quần áo, dễ bị lực xoáy ly tâm trong lồng giặt đánh thành bã vụn, cũng góp phần tích tụ cặn trong lồng giặt.
Tác hại của máy giặt bẩn
Lồng giặt trong máy giặt có hai lớp: Lớp trong cùng bằng thép không gỉ, là nơi chứa quần áo (đây là lớp nơi bạn nhìn thấy); lớp ngoài bao quanh bằng nhựa (lớp này bạn không nhìn thấy). Kết thúc quá trình giặt, lớp bằng thép được làm khô do quá trình xoay ly tâm với tốc độ cao và nước thoát qua các lỗ. Lớp nhựa phía ngoài vẫn ướt và một số bụi bẩn, cặn bột giặt, xơ vải, vẫn bám vào lớp nhựa này, lâu ngày tích tụ thành cặn bẩn, mảng bám.
Nếu không được vệ sinh định kỳ, máy giặt bẩn có thể gây ra các tác hại đáng kể:
● Giảm hiệu quả giặt: Máy giặt bẩn làm giảm khả năng giặt sạch của máy. Quần áo sau khi giặt không sạch hoàn toàn. Chất bẩn, xơ vải bám vào quần áo sau mỗi lần giặt, gây ố vàng, có mùi khó chịu, giảm độ bền của vải.
● Tăng nguy cơ hỏng hóc: Chất bẩn tích tụ trong máy lâu ngày có thể làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước. Nếu không vệ sinh, bảo dưỡng máy giặt định kỳ sẽ khiến máy nhanh hỏng động cơ, các bộ phận bên trong, làm giảm tuổi thọ máy giặt.
● Sinh ra vi khuẩn: Máy giặt bẩn là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển sau thời gian dài sử dụng. Vi khuẩn, chất bẩn, nấm mốc không xử lý hết sẽ bám vào quần áo, khăn mặt, khăn tắm, đồ lót… gây ra bệnh lý về da và hô hấp.
● Tốn điện và nước: Các chất bẩn bám trong máy giặt sẽ làm giảm khả năng làm sạch của máy giặt, dẫn đến tình trạng tiêu hao điện, nước nhiều hơn so với bình thường do phải giặt đi, giặt lại nhiều lần.
Làm sạch máy giặt như thế nào?
Máy giặt trong quá trình sử dụng, bạn nên vệ sinh khoảng 3 tháng/lần. Mỗi khi giặt xong, nên mở cửa máy giặt, giúp không khí thông thoáng bên trong, làm khô lồng giặt vì môi trường ẩm ướt bên trong máy giặt là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc phát triển.
Đối với các máy có chế độ làm sạch lồng giặt. Khi kích hoạt chế độ này, máy giặt sẽ vận hành lồng giặt quay ở tốc độ cao, mức nước lớn với áp lực mạnh để rửa sạch các vết bẩn, mảng bám trên lồng giặt. Chất bẩn sau đó được xả theo dòng nước ra ống xả. Với model thế hệ mới, nhà sản xuất còn đưa vào chức năng dùng nước nóng 60 - 1000C để diệt vi khuẩn gây hại.
Đối với các máy không có chế độ làm sạch lồng giặt, chủ yếu là máy giặt cửa trên, người dùng có thể sử dụng chức năng ngâm để thay thế, thiết lập mực nước cao nhất, sau đó giặt theo chế độ thông thường.
Cẩn thận hơn, bạn có thể gọi dịch vụ làm vệ sinh máy giặt. Thợ sẽ tháo lồng giặt để làm vệ sinh từ trong ra ngoài. Nếu không có điều kiện gọi dịch vụ làm vệ sinh máy giặt, bạn có thể dùng các viên nén hoặc gói bột vệ sinh máy giặt có bán ở siêu thị, sử dụng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.