Dòng điện là sự chuyển động của các hạt electron. Để dòng điện hoạt động được, nó cần phải tạo thành mạch kín: dòng điện được phát đi từ nhà máy điện, đi qua dây dẫn, đến từng ngôi nhà, chạy qua các thiết bị điện. 

Đi ngoài đường phố, bạn thường xuyên nhìn thấy những chú chim nhỏ đậu trên những đường dây điện. Chúng thường đậu thành từng đàn trên dây điện, đặc biệt trên những đường dây điện trung thế hoặc cao thế nhưng lại không bị điện giật. Tại sao lại như vậy, trong khi con người nếu chẳng may chạm vào dây điện bị hở sẽ bị giật ngay, thậm chí có thể bị tử vong.

Bạn nghĩ rằng chim có khả năng đặc biệt, bàn chân chim có thể cách điện? Không phải thế, nếu bạn quan sát kỹ, bạn sẽ thấy: Những loài chim nhỏ đều chỉ đậu cả hai chân trên cùng một dây điện. Lúc này, cơ thể của chim chỉ tiếp xúc với một dây nên không thể cấu thành mạch điện được, sẽ không có dòng điện truyền qua cơ thể chúng, nên chim sẽ không bị điện giật.

Tuy nhiên, với các loài chim ăn thịt có kích thước khá lớn như diều hâu, đại bàng, chim ưng hay cú mèo thì khác. Khi đậu trên đường dây điện, nếu cánh và bàn chân chúng chạm vào cả hai dây điện cùng một lúc (chẳng hạn, chim bước từ dây điện này sang dây điện kia), sẽ tạo ra mạch điện kín, chim sẽ bị điện giật chết ngay.

Khi con người đứng dưới đất, cơ thể của chúng ta tiếp xúc với dây điện dương của nguồn điện và tạo thành mạch điện. Lúc đó dòng điện sẽ truyền từ cơ thể xuống đất khiến chúng ta bị giật tê người. Nhưng nếu chúng ta đứng trên một ghế gỗ cách điện hay đi giày dép có đế bằng cao su có tính cách điện tốt, nếu có sờ vào dây điện dương sẽ không sợ bị điện giật.

Trạng thái lúc đó của bạn cũng giống như con chim đang đậu trên dây điện vậy. Những người thợ điện chuyên nghiệp nắm chắc nguyên lý này để thao tác đấu nối hay sửa chữa dây điện an toàn dù cho trên dây có thể vẫn có điện.