Ở Việt Nam, mọi người có thể quan sát nguyệt thực toàn phần này. Theo trang timeanddate.com, nguyệt thực bắt đầu lúc 17h22 (giờ ICT, cũng là giờ Hà Nội), cực đại lúc 17h59, kết thúc lúc 20h56. Toàn bộ quá trình diễn ra khoảng 3 giờ 33 phút. Lưu ý đây là cả quá trình, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, trong đó thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần (cực đại) không lâu như vậy.
Nguyệt thực lần này có thể quan sát từ các khu vực thuộc Nam Mỹ, châu Á, châu Đại Dương, Bắc Mỹ, phần lớn Nam Mỹ, một phần Đông Âu, Bắc Âu, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Cực, Nam Cực.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng nằm trên một đường thẳng. Lúc đó, Trái đất di chuyển vào giữa Mặt trăng và Mặt trời. Khi Mặt trời chiếu sáng, Trái đất sẽ đổ bóng lên Mặt trăng. Bóng của Trái đất có thể che toàn bộ (nguyệt thực toàn phần) hoặc một phần (nguyệt thực một phần) ánh sáng Mặt trời và khiến Mặt trăng mờ đi.
Trong nguyệt thực toàn phần, Mặt trăng có thể mang sắc đỏ cam. Nguyên nhân là vì ánh sáng từ Mặt trời, dù bị cản trực tiếp bởi phần che của Trái đất, vẫn khúc xạ tạo vành cong quanh Trái đất và chiếu tới Mặt trăng. Khí quyển Trái đất lọc những bước sóng ngắn hơn màu xanh và cho phép các bước sóng đỏ, cam đi qua. Khi các bước sóng đỏ và cam này đi qua khí quyển Trái đất, tiếp tục chạm tới Mặt trăng, tạo hiện tượng Mặt trăng màu đỏ, được gọi là “Trăng Máu”.
Điều đáng chú ý là vào thời điểm nguyệt thực toàn phần ngày 8/11/2022, người yêu thiên văn cũng có thể thấy sao Thiên Vương, nằm gần Mặt Trăng, bị che tối. Tại một số khu vực thuộc châu Á, có lúc sao Thiên Vương sẽ ẩn sau Mặt trăng trong thời gian diễn ra nguyệt thực toàn phần.
Đây là nguyệt thực lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng trong năm 2022. Nguyệt thực trước đó diễn ra vào ngày 16/5. Năm 2023 cũng sẽ có hai lần nguyệt thực.